Xây dựng kế hoạch marketing và sản phẩm du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Xuân Thủy

Cập nhật: 29/01/2013
Trong khuôn khổ hoạt động “Phát triển du lịch sinh thái tại khu Đất ngập nước Xuân Thủy” do Liên minh Đất ngập nước quốc tế (WAP) tài trợ, ngày 25/01/2013, Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam và Vườn quốc gia Xuân Thủy triển khai tour du lịch sinh thái thử nghiệm và hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho kế hoạch marketing và xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy.

VQG Xuân Thủy là một vùng bãi bồi rộng lớn nằm ở phía Nam cửa sông Hồng, có tổng diện tích tự nhiên 7.100ha. Phù sa màu mỡ của sông Hồng và biển đã tạo nên khu đất ngập nước với nhiều loài động thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm. Đây là nơi lý tưởng để quan sát, nghiên cứu về đặc tính di cư của nhiều loài chim trên thế giới; là vùng rừng ngập mặn với cảnh quan thiên nhiên đẹp, thuận tiện cho nhiều loại hình du lịch, du ngoạn ngắm cảnh, du khảo đồng quê... Đây cũng là nơi lý tưởng để phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng (CBET). Từ tháng 1/1989, VQG Xuân Thủy đã là vùng ngập nước đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước quốc tế Ramsar và được UNESCO công nhận là  vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực ven biển liên tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng tháng 12/2004.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của VQG Xuân Thủy còn nghèo nàn; hệ thống sản phẩm dịch vụ còn chưa xứng với tiềm năng; đội ngũ nhân sự phục vụ du lịch còn hạn chế và thiếu trong kỹ năng và nghiệp vụ. Điểm hấp dẫn nhất của VQG Xuân Thủy là hoạt động xem chim (mùa đông) nên bị chi phối bởi tính mùa vụ và tương đối kén khách du lịch. VQG Xuân Thủy chưa phải là một điểm đến độc lập cho chương trình du lịch của du khách. Chưa có một chiến lược phát triển du lịch sinh thái (DLST) Xuân Thủy nhằm khai thác triệt để tiềm năng DLST ở đây, do đó, hoạt động du lịch còn manh mún, thiếu hệ thống và chưa hiệu quả. 

Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về kế hoạch marketing để xây dựng và định vị thương hiệu VQG Xuân Thủy như một điểm đến du lịch sinh thái có uy tín trong khu vực. VQG Xuân Thủy cần tập trung vào đối tượng khách học sinh, sinh viên ở các thành phố lớn, khách du lịch (nội địa và quốc tế) nối tour trong hành trình Hạ Long - Hải Phòng - Ninh Bình - Hà Nội, khách du lịch xem chim vào mùa đông, khách du lịch là các tình nguyện viên, kết hợp với hoạt động du lịch cộng đồng; liên kết với các khu Ramsar trong và ngoài nước nhằm khai thác thị trường khách hiện có của họ.

Về xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch cho VQG Xuân Thủy, các đại biểu cho rằng cần tạo ra một hệ thống sản phẩm có chất lượng và tính ổn định cao nhằm thu hút nhiều đối tượng khách đến với VQG Xuân Thủy và Nam Định; tạo ra một điểm đến tin cậy cho mọi đối tượng khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn khách đến từ các công ty lữ hành trong nước và quốc tế; thống nhất việc quản lý chất lượng sản phẩm để từ đó không ngừng phát triển một cách ổn định và bền vững; tạo ra một môi trường (kinh doanh) lành mạnh nhằm mang lại lợi ích bền vững cho các bên tham gia: VQG Xuân Thủy – các nhà đầu tư – các công ty du lịch – người dân địa phương; khai thác một cách bền vững tài nguyên du lịch VQG Xuân Thủy và đóng góp tích cực cho hoạt động bảo tồn và sinh kế của cộng đồng địa phương.

Nguồn: VTR