Năm 2012 mặc dù nền kinh tế trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên với những định hướng cụ thể, những chỉ tiêu mà tỉnh Thừa Thiên Huế đề ra đều đạt được những kết quả nhất định. Việc tích cực thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, giảm, giãn thuế doanh nghiệp, hạ lãi suất, ổn định thị trường... đã góp phần chuyển biến tích cực tình hình kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế đang đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng từ tuyến tỉnh đến các thị xã, huyện lỵ, nhiều tuyến giao thông huyết mạch được kết nối tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế. Phóng viên báo Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xoay quanh vấn đề này.
Năm 2012, Thừa Thiên Huế xác định là năm đô thị và đây cũng là năm bản lề cho kế hoạch kinh tế xã hội 2011-2015; đồng thời cụ thể hóa Kết luận 48 của Bộ Chính trị về việc phát triển Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương. Xin ông cho biết những kết quả mà địa phương đã đạt được trong năm qua?.
Ngay từ khi có Kết luận 48-KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị và sau đó là Quyết định 86/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã xác định phát triển Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương với định hướng là “Thành phố sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hoá và thân thiện với môi trường”. Đây là một sự khác biệt về định hướng phát triển so với các thành phố trực thuộc trung ương khác.
Với mục tiêu, định hướng đó, năm 2012 được tỉnh xác định là “Năm đô thị” và được cụ thể hóa tại Chương trình trọng điểm về nâng cấp và phát triển đô thị 2012. Mặc dù tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó khăn; Chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, cắt giảm đầu tư công. Tuy vậy, Thừa Thiên Huế vẫn bố trí được một nguồn lực đáng kể cho phát triển đô thị với hơn 1.100 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Quá trình thực hiện một số sự án tuy có chậm, nhưng nhìn chung rất nhiều dự án đã hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào sử dụng và đã phát huy hiệu quả. Đến nay, hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại đang dần hoàn thiện; giao thông nông thôn được đầu tư kiên cố hóa; đã phá thế chia cắt ở vùng đầm phá; bộ mặt đô thị đã có nhiều chuyển biến rõ nét, tích cực; nhiều tuyến đường đã khang trang, sạch đẹp hơn.
Năm 2013 được đánh giá vẫn còn nhiều thách, tuy nhiên, đây là năm tạo tiền đề để Thừa Thiên Huế phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Xin ông cho biết những lĩnh vực cần tập trung thực hiện của Thừa Thiên Huế trong năm 2013 là gì?
Năm 2013, dự báo kinh tế thế giới còn khó khăn, ở trong nước, nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đối với Thừa Thiên Huế sau hơn 3 năm thực hiện Kết luận 48 và 2 năm thực hiện kế hoạch 2011-2015, nhiều chỉ tiêu vẫn còn thấp so với mức đề ra. Vì vậy nhiệm vụ của năm 2013 và cả các năm tiếp theo là khá nặng nề. Tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục xác định năm 2013 là“Năm đô thị”. Theo đó, sẽ huy động tối đa các nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo chuyển biến căn bản diện mạo đô thị gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị; phấn đấu để tiến tới đạt cơ bản các tiêu chí đô thị loại I. Duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý gắn với bảo vệ môi trường vàbảo đảm an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, phát triển các lĩnh vực văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, làm nền tảng vững chắc để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện như sau:
Một là, tiếp tục triển khai hoàn thành các dự án quy hoạch xây dựng và quy hoạch ngành; hoàn thành và trình Bộ Xây dựng thẩm định đề án phân loại đô thị và đề án thành lập đô thị Thừa Thiên Huế; hoàn thành Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế (nguồn ODA Hàn Quốc); tiếp tục thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các thị trấn huyện lỵ: Phong Điền, Sịa, Khe Tre; quy hoạch chung để hình thành các đô thị mới An Lỗ, Thanh Hà, Điền Lộc, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A và hai hầm đường bộ Phước Tượng, Phú Gia; tạo điều kiện tối đa để rút ngắn thời gian thi công nâng cấp đường cất hạ cánh cảng hàng không quốc tế Phú Bài.
Hai là, đối với thành phố Huế: tập trung chỉnh trang, mở rộng cửa ngõ phía Bắc, phía Nam; sắp xếp một số nút giao thông, chỉnh trang các tuyến phố trọng yếu. Chỉnh trang nạo vét sông Ngự Hà, An Cựu, hồ Học Hải... Hoàn thành chỉnh trang đường Điện Biên Phủ, đường Đống Đa, chỉnh trang đường Nguyễn Sinh Cung, hoàn thành cầu Ga, triển khai thi công cầu Đông Ba. Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng một số khu tái định cư phục vụ giải tỏa, tạo quỹ đất. Đối với các đô thị động lực và các đô thị vệ tinh thì tiếp tục đầu tư một số tuyến đường nội thị thiết yếu..
Ba là, năm 2013, tỉnh sẽ tập trung vào việc xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đô thị các thị trấn thuộc huyện; quy chế quản lý kiến trúc đô thị Huế, các thị xã Hương Thủy, Hương Trà, thị trấn Thuận An, đô thị mới Chân Mây – Lăng Cô. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện xây dựng công trình, công tác xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo đảm cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp, hướng tới xây dựng đô thị Thừa Thiên Huế theo mô hình tập hợp đô thị di sản, văn hóa và cảnh quan...
Bốn là, tiếp tục tập trung phát triển các lĩnh vực kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Trong đó chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ; phát triển các lĩnh vực dịch vụ - du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh.
Năm là, triển khai đồng bộ các Chương trình, Đề án, Kế hoạch đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh thông qua để xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước.
Sáu là, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trình bộ, ngành, Chính phủ và Quốc hội phê duyệt đưa cả tỉnh thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác đối ngoại, hợp tác kinh tế quốc tế, xúc tiến đầu tư... đồng thời thực hiện Chỉ thị 21 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020; Những kế hoạch gì cần chú trọng để giới thiệu và quảng bá về tiềm năng của địa phương, thưa ông?
Trong nhiều năm qua, công tác đối ngoại, hợp tác kinh tế quốc tế, xúc tiến đầu tư rất được tỉnh quan tâm, nhất là qua các kỳ Festival được tổ chức 02 năm/lần, nhờ đó vị thế của Thừa Thiên Huế trong nước cũng như trên trường quốc tế được khẳng định. Tuy nhiên hiệu quả đem lại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có. Trong thời gian tới, để khắc phục các hạn chế, tồn tại trên, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của Thừa Thiên Huế, tỉnh sẽ tập trung triển khai kế hoạch tăng cường ngoại giao kinh tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực du lịch, y tế, văn hóa, giáo dục, nghiên cứu - ứng dụng KHCN, bảo vệ môi trường...
Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá những tiềm năng, lợi thế về văn hóa, du lịch,... Tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan xúc tiến đầu tư của nước ngoài như Jetro, Kotra, EuroCham...; Cùng phối hợp tổ chức một số hoạt động văn hóa, du lịch, thể dục thể thao mang tầm quốc gia và quốc tế; Sản xuất hoặc phối hợp sản xuất các ấn phẩm, phim ảnh giới thiệu các di sản, phong cảnh, con người, đặc sản, phong cách Huế....
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác thanh tra công vụ để hạn chế tối đa tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu nhằm hỗ trợ, giải quyết nhanh nhất những thủ tục đầu tư; tăng cường phát triển hợp tác với các địa phương truyền thống của các quốc gia trong khu vực, đặc biệt trên hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) kết nối giữa Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam, một số vùng của Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc,...; kết nối thông tin, tư vấn cho các doanh nghiệp trong khai thác các thị trường truyền thống như EU, Nhật Bản, ASEAN, tìm kiếm thị trường mới.../.
Xin trân trọng cảm ơn ông!