Mô hình du lịch dưới tán rừng bị lợi dụng

Cập nhật: 29/01/2013
Ngày 25.1, sau khi kiểm tra tình hình quản lý và bảo vệ rừng tại các dự án du lịch rừng, dự án nông lâm dưới tán rừng, bước đầu, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đưa ra nhận xét là các mô hình này tại nhiều địa phương trong tỉnh đã bị lợi dụng.

 “Nếu không lập lại trật tự trên lĩnh vực này thì hậu quả trong tương lai thật khó lường!” – một thành viên trong đoàn kiểm tra phát biểu.

 

Những “siêu dự án”

 

Báo cáo mới nhất của Sở NNPTNT cho thấy, đến nay, toàn tỉnh có 347 DN được cho thuê 61.719ha rừng để thực hiện các dự án, trong đó chiếm phần lớn là các dự án du lịch và nông lâm kết hợp. Nếu không kể số dự án này (trong đó sẽ có một số dự án được đề nghị thu hồi sau chuyến kiểm tra mới đây nhất – ngày 24.1) thì thời gian gần đây, cũng theo báo cáo của Sở NNPTNT, cả tỉnh đã có 109 dự án với gần 20.000ha đất rừng bị UBND tỉnh ra quyết định thu hồi do chậm hoặc không triển khai, đặc biệt là do vi phạm các cam kết về bảo vệ và phát triển rừng trong kinh doanh du lịch hoặc nông lâm nghiệp kết hợp.

 

Lâm Đồng là một trong số ít tỉnh có những dự án du lịch dưới tán rừng được cấp phép một cách “hào phóng” – diện tích được cấp phép cho một dự án lên đến trên nửa triệu hécta rừng, hoặc ít ra cũng trên 100ha. Trong số đó, có thể nêu “điển hình” như các dự án Royal City có diện tích lên đến gần 700ha, khu du lịch rừng Madaguoil hơn 600ha, đồi hoa Madaguoil 525ha, khu du lịch sinh thái Chìa Khóa Vàng gần 500ha...

 

Việc ồ ạt cấp phép các dự án đầu tư liên quan đến đất rừng trong những năm qua, nhất là trong các năm từ 2007 – 2009, ở Lâm Đồng đã gây nên ít nhiều hệ lụy. Nạn phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra, việc lợi dụng sự ưu ái trong chính sách thu hút đầu tư của tỉnh để sang nhượng dự án kiếm lời bất chính của các DN không còn là chuyện hy hữu.

 

Sẽ tiếp tục thu hồi

 

Khu du lịch Đông Dương là một trong những dự án khá tai tiếng ở Lâm Đồng. Theo giấy phép, dự án khu du lịch Đông Dương có tổng vốn đầu tư hơn 368 tỉ đồng, được triển khai trên diện tích đất lâm nghiệp gần 230ha tại tiểu khu 143 thuộc xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Sau nhiều năm được cấp phép, nhà đầu tư vẫn không triển khai; và đặc biệt, trên phần rừng được giao, nạn lấn chiếm đất, chặt phá cây rừng... vẫn diễn ra, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi dự án khu du lịch Đông Dương của Cty TNHH Miền Nhiệt Đới.

 

“Trong số hơn 80 dự án liên quan đến đất rừng trên địa bàn huyện Lạc Dương (địa phương  cận kề với TP.Đà Lạt), theo cơ quan chức năng huyện, có đến 19 dự án không mang lại hiệu quả” - một cán bộ lãnh đạo của huyện Lạc Dương cho biết. Hoặc như gần đây, một số dự án  ở huyện Đạ Huoai, huyện Đạ Tẻh... cũng đã bị rút giấy phép: Dự án khu du lịch Suối Bạc của Cty cổ phần Trúc Phương, dự án khu du lịch sinh thái hồ Đạ Tẻh của Cty cổ phần dịch vụ du lịch Minh Nhựt...

 

Sau kết luận thanh tra các dự án liên quan đến rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng của trung ương, có đến 109 dự án bị thu hồi. Và, sau cuộc kiểm tra gần đây nhất (24 - 25.1), sẽ tiếp tục có những dự án khác bị thu hồi, như khẳng định của một thành viên trong đoàn kiểm tra, khiến cho không ít người đặt ra kỳ vọng về một trật tự sẽ được lặp lại trong triển khai mô hình có tính tổng hợp “lâm nghiệp - nông nghiệp - nghỉ dưỡng - sinh thái - công nghệ cao rau hoa...” ở tỉnh Lâm Đồng trong thời gian sắp tới.

Nguồn: Laodong.com.vn