Đó là một trong những giải pháp chiến lược mà tỉnh Lâm Đồng xác định trên con đường tìm hướng đi, chỗ đứng cho các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp trong thời gian tới.
Du lịch - môi trường kinh doanh tốt cho làng nghề
Hiện nay, số lượng cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn trên toàn tỉnh là 7.795 cơ sở, với số lượng lao động trong ngành là 23.400 người. Cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, các làng nghề, cơ sở sản xuất đã tạo ra một khối lượng hàng hoá lớn đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, cơ cấu ngành nghề, hàng hoá cũng đa dạng hơn cả về mẫu mã đến khả năng đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường. Sau hơn 10 năm thực hiện chính sách phát triển làng nghề, đến nay, Lâm Đồng đã có 22 làng nghề với nhiều loại hình như dệt thổ cẩm, làng hoa, gốm, rượu cần, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ... Thực hiện quyết định số 50/2008/QĐ-UBND ngày 7/11/2008 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành quy định công nhận nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, trong tổng số 22 làng nghề, đến nay UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định công nhận 6 làng nghề truyền thống với số lượng tham gia trực tiếp sản xuất trong các làng nghề khoảng 4.000 hộ với hơn 7.000 lao động đó là: làng hoa Thái Phiên (phường 12, TP. Đà Lạt); làng hoa Hà Đông (phường 8, TP. Đà Lạt); làng hoa Vạn Thành (phường 5, TP. Đà Lạt); làng dệt thổ cẩm B’Nớr C (xã Lát, huyện Lạc Dương); làng dệt thổ cẩm Đam Pao (xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà); làng dệt thổ cẩm thôn Đạ Nghịch (xã Lộc Châu, TP. Bảo Lộc).
Tuy nhiên, sự phát triển của tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề trong tỉnh đứng trước nhiều khó khăn, nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm. Theo thống kê của Sở Công thương Lâm Đồng, bên cạnh giá trị tăng trưởng sản xuất công nghiệp trung bình đạt 12,57%/năm thì giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2008-2012 lại giảm 5,07%. Một trong nhiều nguyên nhân giảm sút có thể thấy là vì sự phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề quy mô sản xuất còn nhỏ, công nghệ lạc hậu, trình độ lao động không đồng đều, thiếu đầu ra và chưa xây dựng được thương hiệu. Đơn cử như hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Trạm Hành ở số 5/1 (xã Trạm Hành, TP. Đà Lạt) với sản phẩm chính là tranh cưa lọng, tranh chạm bút lửa và hoa khô, được coi là mô hình điển hình thành công, đang dần thu hút thị trường trong và ngoài nước, nhưng theo bà Nguyễn Thị Mai Ly- Phó Chủ nhiệm hợp tác xã: “Việc tìm kiếm thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn trong khi tiêu thụ sản phẩm là khâu quan trọng nhất trong quá trình sản xuất. Nếu không tiêu thụ được sản phẩm thì mọi hoạt động sẽ bị ngưng trệ”.
Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, làng nghề vẫn ở quy mô nhỏ, khả năng tài chính hạn chế, mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu, thiếu tính độc đáo, nguồn nguyên liệu không ổn định... cũng là những rào cản trên con đường phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng thương hiệu hàng thủ công.
Để thúc đẩy, nâng cao vị thế của các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, trong thời gian qua, Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, đề án hỗ trợ. Ông Cao Xuân Khản - Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh cho biết: “Bằng nhiều hình thức khác nhau nhất là thông qua hình thức hỗ trợ có thu hồi như xây dựng nhà xưởng, đổi mới máy móc, công nghệ, thiết bị, đào tạo nghề, nâng cao năng lực chuyên môn... cũng như tổ chức các cuộc thi sáng tạo sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mới phục vụ du lịch, đưa sản phẩm tham gia các hội chợ triển lãm… đã đem lại nhiều kết quả tích cực”.
Đặc biệt, với lợi thế về tiềm năng du lịch, thì phát triển hình thức du lịch làng nghề cũng được coi là chiến lược phát triển lâu dài về chiều sâu cho sản xuất hàng thủ công. Hiện nay, nhiều làng nghề của tỉnh như làng dệt thổ cẩm thôn B’ Nớr C (xã Lát, huyện Lạc Dương), làng dệt thổ cẩm thôn Đam Pao (xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà), làng hoa Vạn Thành ( phường 5, TP. Đà Lạt)... cũng thu hút nhiều du khách đến tham quan. Qua hình thức du lịch, các làng nghề có cơ hội quảng bá sản phẩm, tạo lập thị trường tiêu thụ và giới thiệu bản sắc, đặc trưng văn hoá của làng. “Đây được coi là hình thức hữu hiệu, tạo dựng môi trường kinh doanh tốt cho làng nghề” - Ông Huỳnh Ngọc Cảnh chia sẻ.
Cần sự hỗ trợ, tích cực từ nhiều phía
Ông Huỳnh Ngọc Cảnh - Giám đốc Sở Công thương đưa ra một số giải pháp trọng điểm sẽ thực hiện trong thời gian tới nhằm phát triển sản phẩm tiểu thủ công nghiệp: “Tập trung cải tạo và đổi mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đưa các sản phẩm tham gia hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế, xúc tiến thương mại, tạo vùng nguyên liệu ổn định, nâng cao chất lượng đầu vào, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng và các đơn vị sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật…”. Cùng với đó, các chương trình khuyến công như hỗ trợ vay vốn, cho vay không tính lãi 3-5 năm, cung cấp thông tin thị trường, phổ biến kinh nghiệm, tổ chức bình chọn sản phẩm tiêu biểu... cũng sẽ được tỉnh tích cực triển khai để đưa ngành tiểu thủ công nghiệp phát triển bền vững.
Tuy nhiên, trên chặng đường tìm thương hiệu và chỗ đứng cho các sản phẩm làng nghề, tiểu thủ công nghiệp thì ngoài sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan, ban, ngành có liên quan, các doanh nghiệp, làng nghề cũng cần chủ động phát huy thế mạnh cho mình. Không ngừng cải tiến chất lượng, mẫu mã, khai thác thị trường, các kênh tiêu thụ, nâng cao tay nghề... cũng là những hướng đi mà bản thân các doanh nghiệp, làng nghề cần tự xác định cho chính mình để phát triển.
Hy vọng với sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía, sự đổi mới không ngừng trên con đường khẳng định thương hiệu cho hàng thủ công, làng nghề của tỉnh, với sự đan xen bởi cả những yếu tố truyền thống và hiện đại sẽ đem lại diện mạo mới, vị thế mới cho tiểu thủ công nghiệp ở Lâm Đồng trong tương lai không xa.