Khánh thành Nhà máy thủy điện xanh đầu tiên của Việt Nam tại Tuyên Quang

Cập nhật: 06/03/2013
Ngày 4/3, tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, Nhà máy Thủy điện ICT Chiêm Hóa – Thủy điện xanh đầu tiên của Việt Nam với 3 tổ máy có tổng công suất 48MW, do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Quốc tế (ICT) làm chủ đầu tư đã khánh thành, đi vào hoạt động. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải; đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại TW và đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành TW; tỉnh Tuyên Quang đã tham dự.

Công trình Nhà máy Thủy điện ICT Chiêm Hóa có tổng mức đầu tư hơn 1.828 tỷ đồng, được khởi công ngày 12/10/2009. Đây là công trình thủy điện cột nước thấp đầu tiên tại Việt   Nam , sử dụng công nghệ tuabin chảy thẳng kiểu bóng đèn (công nghệ đang được nhiều nước tiên tiến trên thế giới sử dụng). Với công nghệ này, Nhà máy Thủy điện ICT Chiêm Hóa sẽ tận dụng được tối đa tiềm năng hệ thống sông, suối trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, tận dụng được cột nước thấp để phát điện. Hơn nữa, do đặc trưng là công trình thủy điện cột nước thấp nên gần như vẫn giữ nguyên dòng chảy tự nhiên, ít ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân sống hai bên bờ sông. Hàng năm, Nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện Quốc gia 198,6 triệu Kwh. Dự án Nhà máy thủy điện Chiêm Hóa được thi công theo hình thức tổng thầu do liên doanh nhà thầu Viện Nghiên cứu khảo sát thiết kế Công nghiệp Quảng Tây và Công ty TNHH cổ phần Cục 2 Thủy điện Quảng Đông (Trung Quốc) thi công.  

Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao công nghệ Nhà máy Thủy điện ICT Chiêm Hóa áp dụng, giải quyết được vấn đề môi trường của dòng sông, đồng thời có tác dụng đa mục tiêu vừa bảo đảm cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, chống lũ, vừa phát điện và tạo ra vùng tiểu khí hậu tốt. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Để bảo đảm công trình hoạt động có hiệu quả, sau lễ khánh thành chủ đầu tư công trình – Công ty ICT phối hợp với tỉnh Tuyên Quang hoàn thành quy trình điều tiết hồ chứa, phương án bảo vệ đập, các phương án phòng chống lụt bão, để chủ động đối phó khi sự cố có thể xảy ra. Đặc biệt, quy trình điều tiết hồ chứa phải được phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang để điều tiết hợp lý nguồn nước trong mùa khô, đảm bảo hài hòa các lợi ích. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng cần chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân viên vận hành, sửa chữa… để giúp nhà máy hoạt động tốt nhất.

Vũ Quang Đán

Nguồn: monre.gov.vn