Lần đầu tiên ở Việt Nam, 21 cơ sở lưu trú du lịch vừa được Tổng cục Du lịch cấp chứng nhận Nhãn du lịch bền vững Bông xen xanh (gọi tắt là nhãn “Bông sen xanh”). Việc cấp chứng nhận này nhằm khẳng định quyết tâm của ngành du lịch là phát triển du lịch có trách nhiệm, thân thiện với môi trường, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Tại sao phải gắn nhãn “Bông xen xanh”?
Đối với nhiều nước phát triển trên thế giới, trong đó có các nước EU, Mỹ, Nhật Bản, Xin-ga-po… đã áp dụng dán nhãn xanh (hay còn gọi là nhãn sinh thái, nhãn môi trường) cho cơ sở lưu trú, sản phẩm và dịch vụ du lịch từ hàng chục năm qua. Việc làm này không chỉ có tác động tích cực tới những người kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực du lịch, mà còn tạo dựng thói quen văn minh cho du khách khi đi du lịch, hạn chế việc xả rác, nước thải bừa bãi hay có các hành vi gây ô nhiễm môi trường du lịch. Việc áp dụng nhãn xanh cho các cơ sở lưu trú, sản phẩm và dịch vụ du lịch đã làm giảm đáng kể những tác hại của du lịch tới môi trường và tài nguyên. Những nơi có môi trường trong sạch, không bị ô nhiễm thường là những điểm đến hấp dẫn đối với du khách.
Bà Lê Mai Khanh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch) cho biết, khoảng 15 năm trở lại đây, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ở nước ta có sự phát triển mạnh về số lượng. Tính đến cuối năm 2012, cả nước hiện có khoảng 13.000 cơ sở lưu trú du lịch (tăng 19,2% so với năm 2009), với 265.000 buồng (tăng 23% so với năm 2009). Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” đó cũng có tác động tiêu cực đến môi trường do các cơ sở lưu trú du lịch sử dụng nhiều tài nguyên đất (mà hầu hết là ở các vị trí đắc địa), năng lượng, nước, vật tư hàng hóa; đồng thời tạo ra nhiều chất thải làm ô nhiễm môi trường sinh thái, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm du lịch và sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.
Không phải là “việc nội bộ”
Hướng tới một nền du lịch phát triển, thân thiện với môi trường, sau hơn 4 năm triển khai nghiên cứu, Tổng cục Du lịch đã xây dựng Bộ tiêu chí Nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh. Tháng 4-2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định về “Bộ tiêu chí Nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh áp dụng đối với các cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam” và “Quy định trình tự, thủ tục đánh giá và cấp thí điểm chứng nhận Nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh cho các cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam”. Nhãn "Bông sen xanh" có 5 cấp độ, từ 1 đến 5 "Bông sen xanh". Đây là công cụ đánh giá, quản lý công tác bảo vệ môi trường đối với hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam.
Tháng 12-2012, sau khi thẩm định, tuyển chọn chặt chẽ từ hàng trăm hồ sơ đề nghị từ các khách sạn trong cả nước, Tổng cục Du lịch đã chính thức cấp chứng nhận cho 21 khách sạn đạt tiêu chí Nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh (từ cấp độ 1 đến cấp độ 5). “Bông sen xanh” cấp độ 1 được trao cho Khách sạn Riverside TP Hồ Chí Minh. Riêng “Bông sen xanh” cấp độ 2 đợt này chưa có khách sạn nào đủ tiêu chí. “Bông sen xanh” cấp độ 3 được trao cho các khách sạn: Xanh Huế, Dic Star Vũng Tàu, Sea Lion Beach Resort and Spa, Làng tre Mũi Né, Park Diamond, Sài Gòn Mũi Né, Hoàng Gia Bắc Ninh. “Bông sen xanh” cấp độ 4 được trao cho các khách sạn: Làng Hành Hương, Sunrise Nha Trang, Muine Bay, Kim Đô, Hoàn Cầu, Hòa Bình. “Bông sen xanh” cấp độ 5 được trao cho các khách sạn: Đệ Nhất (First), Bến Thành (Rex), Cửu Long, Intercontinental Hanoi Westlake, Six Senses Ninh Van Bay, Sheraton, Chains Caravelle.
Cùng với đánh giá cao các khách sạn được cấp chứng nhận nhãn “Bông sen xanh” đợt đầu tiên vì đã đi tiên phong trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã khuyến cáo: Việc cấp chứng nhận này là tiền đề, cơ sở để các cơ sở lưu trú du lịch quan tâm hơn đến việc giữ gìn môi trường trong hoạt động kinh doanh du lịch thời gian tới. Vì chứng nhận nhãn “Bông sen xanh” chỉ có giá trị trong vòng 3 năm. Nếu trong thời gian này, cơ sở lưu trú du lịch nào vi phạm và không thực hiện đầy đủ các tiêu chí đã cam kết, Tổng cục Du lịch sẽ rút giấy chứng nhận “Bông sen xanh” và có hình thức xử lý thích hợp.
Chúng tôi cho rằng, môi trường đã trở thành vấn đề của toàn cầu, chứ không riêng gì của một quốc gia, lại càng không phải là “việc nội bộ” của ngành du lịch. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực của những người kinh doanh du lịch, muốn bảo vệ được môi trường ở các cơ sở lưu trú du lịch, chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi du khách, trước hết là du khách Việt Nam có trách nhiệm tham gia giữ gìn vệ sinh, môi trường sinh thái trong quá trình tham quan, du lịch. Mặt khác, ngành du lịch cần tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện để có biện pháp xử lý thích hợp đối với các cơ sở lưu trú du lịch vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.
THIỆN VĂN