Nhật Bản hỗ trợ TPHCM 6 dự án môi trường

Cập nhật: 07/03/2013
UBND TPHCM vừa cho biết sẽ hợp tác với TP Osaka, Nhật Bản thực hiện 6 dự án môi trường tại TPHCM.

Cụ thể, với Sở Tài nguyên và Môi trường, phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ thực hiện 3 chương trình: thí điểm phân loại chất thải rắn đô thị tại nguồn, thực hiện tại phường Bến Nghé quận 1 và phường 14 quận Bình Thạnh; kế hoạch hành động 3R (Giảm thiểu - Tái chế - Tái sử dụng) do Quỹ Trung tâm môi trường toàn cầu và Viện Nghiên cứu EX soạn thảo; Chương trình xử lý chất thải thu hồi năng lượng giúp giảm thiểu lượng rác thải ra bãi chôn lấp. Từ đó, giảm gánh nặng lên quỹ đất của TPHCM. Mặt khác, tận dụng nguồn năng lượng từ rác để sản xuất điện năng. Cuối cùng là Cục Môi trường của TP Osaka sẽ hỗ trợ thực hiện nâng cao năng lực cho chuyên viên thuộc lĩnh vực môi trường.

 

Còn với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập và Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM, phía Nhật Bản sẽ tập trung vào hỗ trợ thực hiện chương trình nâng cao năng lực quản lý hệ thống thoát nước đô thị. Trong đó, tập trung hỗ trợ ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ của Nhật Bản. Và cuối cùng là chương trình hỗ trợ Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cải tiến công nghệ xử lý nước, giúp nâng cao chất lượng nước sạch, cấp nước an toàn, giảm nước không doanh thu, quản lý vận hành, kiểm soát hệ thống cấp nước và đào tạo nguồn nhân lực quản lý kỹ thuật, quản lý sản xuất.

 

Osaka, Nhật Bản là một trong những TP thực hiện tốt công tác quản lý môi trường. Tại đây, rác thải của từng gia đình đã được thực hiện phân thành 5 loại trước khi được thu gom và chuyển đến các công đoạn xử lý tiếp theo. Với những rác có thể tái chế được thì tận dụng tối đa để tái chế thành những sản phẩm hữu ích. Số còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt. Ngoại trừ những loại không thể nào có thể xử lý bằng cách đốt mới được chuyển đến các bãi chôn lấp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia môi trường khẳng định, mô hình của TP Osaka xem thì thấy dễ nhưng lại không dễ ứng dụng tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng ở nhận thức bảo vệ môi trường. Tại Việt Nam, ý thức bảo vệ môi trường chưa thật sự cao. Điển hình nhất là việc TPHCM dù đã nhiều lần triển khai hoạt động kêu gọi gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn và cũng chỉ mới yêu cầu phân làm 2 loại nhưng cũng đã rất khó thực hiện. Do vậy, trước khi đầu tư hàng loạt hạ tầng phục vụ cho hoạt động xử lý chất thải, có lẽ các cơ quan chức năng cũng cần phải cân nhắc đến sự phù hợp trong nhận thức bảo vệ môi trường của người dân.

 

Minh Xuân

Nguồn: donre.hochiminhcity.gov.vn