Bến Tre là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, với hệ thống kênh rạch chằng chịt, hệ động thực vật phong phú, có không khí thoáng mát quanh năm và một môi trường sinh thái trong lành. Cùng với những di tích lịch sử, văn hóa và làn điệu dân ca được người dân Bến Tre sáng tạo ra trong quá trình khẩn hoang mở đất đã tạo ra, có thể nói tiềm năng phát triển du lịch ở Bến Tre là rất lớn.
Bến Tre được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều so với các vùng lân cận, có bờ biển dài 65 km, có rừng ngập mặn, lắm sông nhiều rạch, cù lao, cồn bãi, nên bốn mùa khí hậu ôn hòa, mát mẻ, có những vườn cây ăn trái bốn mùa trĩu quả cùng với các sản phẩm từ dừa nổi tiếng trong và ngoài nước. Người dân Bến Tre đã tận dụng tất cả các thành phần của cây dừa như thân, cọng, vỏ, gáo dừa,… để làm ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, được nhiều du khách ưa chuộng. Không chỉ về mặt tự nhiên phù hợp với du lịch khám phá sông nước, du lịch miệt vườn, chiêm ngưỡng và mua sắm những sản phẩm từ dừa về làm quà cho người thân, bạn bè,…du khách còn được hòa mình vào cuộc sống của người dân nơi đây, họ luôn được đón tiếp bởi sự nhiệt tình, thân thiện, và hiếu khách của người dân Bến Tre.
Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch còn tập trung khai thác các địa danh, di tích lịch sử văn hóa của tỉnh, như khu di tích Đồng Khởi, khu mộ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định, đền thờ cụ Huỳnh Tấn Phát,…
Đình làng và nhà cổ ở Bến Tre cũng là nơi để du khách đến tham quan. Khác với đình Bắc Bộ, đình Bình Hòa (huyện Giồng Trôm), đình Phú Lễ (huyện Ba Tri) không chỉ là nơi thờ tự, mà còn là chứng tích tố cáo Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam. Đình Phú Tự (TP. Bến Tre) với cây bạch mai cổ thụ độc nhất vô nhị, trên 300 năm tuổi vẫn còn xanh tốt.
Bến Tre còn có ngôi nhà cổ ở xã Đại Điền (huyện Thạnh Phú) có niên đại trên 100 năm, xây cất theo kiểu hình chữ nhất, trang trí bằng hoa văn chạm trổ khéo léo bởi những bàn tay nghệ nhân điêu luyện. Có đến đây mới thấy hết giá trị nghệ thuật và văn hóa của ông cha ta để lại.
Trong những năm qua, ngành du lịch Bến Tre đã đạt nhiều kết quả khả quan, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Một số điểm du lịch được các doanh nghiệp và người dân đầu tư như du lịch sinh thái miệt vườn, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, lịch sử, nhà hàng, khách sạn,… Đặc biệt, sau khi cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng đã thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.
Doanh thu và lượng du khách đến Bến Tre không ngừng tăng qua các năm, với tốc độ tăng bình quân 24,1%/năm trong giai đoạn 2006-2010. Nếu như năm 2005 doanh thu du lịch chỉ đạt 83,27 tỷ đồng, thì trong năm 2010 đã tăng lên 245 tỷ đồng. Tổng lượt khách du lịch tăng từ 313.014 lượt người năm 2005 lên 540.000 lượt người năm 2010, bình quân tăng 11,5% (trong đó khách quốc tế tăng bình quân là 12,8%/năm).
Riêng trong năm 2012, toàn tỉnh đã thu hút được 693.000 lượt khách du lịch, tăng 13,6% so năm 2011 (trong đó, khách quốc tế tăng 12,5%, khách nội địa tăng 12,5%) với doanh thu đạt 368 tỷ đồng, tăng 22,7% so năm 2011. Mục tiêu trong năm 2013 là tỉnh sẽ phấn đấu doanh thu du lịch tăng lên khoảng 448 tỷ đồng, tăng 21,7% so năm 2012.
Đóng góp chung vào tăng trưởng của ngành du lịch Bến Tre, đầu tiên phải kể đến sự đầu tư có hiệu quả của Nhà nước vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch và xây dựng, trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa, như: di tích căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, di tích Võ Trường Toản,... kế đến là sự đầu tư có hiệu quả của các doanh nghiệp vào lĩnh vực du lịch, qua đó giúp cho cơ sở hạ tầng, vật chất ngành du lịch được đầu tư hoàn chỉnh. Nhiều khu du lịch, khách sạn đã hoàn thành và đưa vào khai thác, như: khu du lịch Forever Greeen Resort ở xã Phú Túc (Châu Thành), Khách sạn Việt – Úc và nhiều điểm du lịch, nhà nghỉ có quy mô vừa trên địa bàn tỉnh,…
Bên cạnh đó là sự góp phần không nhỏ của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng từ du lịch sinh thái với nhiều sản phẩm đa dạng như tham quan sông nước miệt vườn, thưởng thức ẩm thực xứ dừa trên du thuyền, tham quan vườn trái cây và các làng nghề truyền thống, homestay, đến du lịch văn hóa, lịch sử. Qua đó, đã góp phần rất lớn trong việc thu hút du khách đến với Bến Tre ngày càng nhiều hơn.
Du lịch cũng là một trong những ngành được tỉnh xác định là ngành quan trọng đóng góp vào tăng trưởng chung của kinh tế tỉnh. Ngay từ đầu năm 2012, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2012-2015 với mục tiêu phấn đấu doanh thu du lịch tăng bình quân 20%/năm, lượng du khách tăng bình quân 12%/năm, đến năm 2015 đạt 01 triệu lượt khách du lịch đến Bến Tre.
Tin rằng, với những thành quả đã đạt được trong thời gian qua cùng với những định hướng đúng đắn của tỉnh và quyết tâm thực hiện của các cấp, các ngành liên quan cùng với sự đồng thuận của người dân thì ngành du lịch sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà./.