Trong tuần qua, hoạt động đáng chú ý nhất trong lĩnh vực VHTTDL là cuộc họp báo thường kỳ quý I của Bộ VHTTDL, cuộc họp được báo chí phản ánh cả những thành tựu, cả những bất cập và những lý giải của Bộ ở lĩnh vực này.
Ở cuộc họp báo (ngày 4/4), lãnh đạo Bộ VHTTDL nêu một con số ấn tượng: Chỉ riêng quý I/2013 đã có khoảng 1.000 bài báo viết về các hoạt động VHTTDL, trong đó “nóng” nhất là các đề tài liên quan đến lễ hội, chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân, “sổ đỏ” của kỳ quan thiên nhiên thế giới bị “cầm cố”, các di tích bị bê tông hóa...
Theo Bộ VHTTDL, xung quanh mùa lễ hội, một tin mừng là cho tới ngày 4/4 (ngày họp báo), Thanh tra Bộ vẫn chưa nhận được bất cứ báo cáo nào về tình trạng thương vong hay cháy nổ trong các lễ hội ở các địa phương trong cả nước.
Đây là thành công rất đáng ghi nhận trong công tác bảo đảm an toàn cho mùa lễ hội. Bên cạnh đó, hiện tượng bói toán, đốt đồ mã, cờ bạc cũng đã được đấu tranh quyết liệt để từng bước đẩy lùi.
Về vụ việc “11 chiếc sổ đỏ của Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng”, đại diện Cục Di sản văn hóa cho biết đã thu hồi lại được.
Đề cập đến vấn đề lựa chọn quốc hoa, Bộ VHTTDL khẳng định công việc này được chỉ đạo rất sát sao. Đến nay Đề án đã được lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Theo Bộ VHTTDL, loài hoa nào được đông đảo người dân lựa chọn và tôn vinh thì đó sẽ là quốc hoa. Quốc hoa nên được chọn từ sự yêu quý của người dân chứ không phải bằng một quyết định hành chính. Theo khảo sát của Bộ VHTTDL, hoa sen hồng chiếm ưu thế trong các cuộc bầu chọn quốc hoa.
Liên quan đến việc lựa chọn Đại sứ Du lịch Việt Nam, Bộ VHTTDL cho nhiệm kỳ mới của Đại sứ Du lịch sẽ kéo dài 2 năm. Bộ cũng đồng ý kéo dài thời gian nhận hồ sơ ứng viên đến tháng 10/2013.
Còn theo Cục Nghệ thuật Biểu diễn, đơn vị này vừa cấp phép phổ biến thêm 52 bài hát của các tác giả sáng tác trước năm 1975 ở các tỉnh phía Nam và bài hát do người Việt Nam định cư ở nước ngoài sáng tác, nâng tổng số bài hát được phép phổ biến lên hơn 1.600 bài.
Cũng trong cuộc họp, đại diện Bộ VHTTDL bày tỏ sẵn sàng đón nhận những đóng góp từ báo chí để công tác quản lý nhà nước về VHTTDL được tốt hơn, để lĩnh vực này không còn “điểm nóng”.
Ngày 2/4, rất đông các nghệ sĩ và người yêu xẩm đã tham dự lễ dâng hương giỗ tổ của nghề hát xẩm tại đình Hào Nam, Hà Nội. Giỗ tổ nghề xẩm là một hoạt động thường niên vào mùa xuân được Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc - Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức bao gồm hai phần: lễ và biểu diễn mô phỏng theo lễ giỗ tổ nghề hát xẩm xưa.
Hát xẩm không chỉ đơn thuần là một loại hình ca hát dân gian mà người hát xẩm đã coi đây là một nghề sinh nhai. Trong suốt chiều dài hàng trăm năm tồn tại cho tới trước những năm nửa cuối thế kỷ XX khi xẩm thất truyền, người hát xẩm thường lấy ngày 22/2 hoặc 22/8 âm lịch làm ngày giỗ tổ nghề.
Năm nay, ngày giỗ tổ nghề xẩm có thêm phần lễ tưởng nhớ nghệ nhân Hà Thị Cầu, bậc thầy nghề hát xẩm Việt Nam.
Vào lúc 20 giờ tối ngày 2/4 (tức ngày 22/2 năm Quý Tỵ), tại TP.Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức Lễ tế Đàn Xã Tắc năm 2013, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đất nước ấm no, thiên hạ thái bình.
Lễ tế Đàn Xã Tắc năm nay tiếp tục được thực hiện theo nghi thức tái hiện một phần lễ tế xưa, bao gồm các nghi lễ quan trọng như Lễ quán tẩy (rửa tay tẩy trần), Lễ thượng hương (dâng hương), Lễ nghinh thần (rước thần đến tham dự), Lễ điện ngọc bạch (dâng ngọc trắng), Lễ truyền chúc (đọc chúc văn), Lễ hiến tước (dâng rượu), Lễ tứ phúc tộ (hưởng lộc), Lễ triệt soạn (hạ cỗ), Lễ tống thần (đưa tiễn thần) và Lễ tư chúc bạch soạn (đốt chúc văn, ngọc lụa, bài vị).
Tại Thanh Hóa, từ ngày 3 - 10/4, Sở VHTTDL và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa tổ chức Triển lãm ảnh “Chủ quyền biển, đảo Việt Nam”.
Hơn 300 tư liệu ảnh, hiện vật tiêu biểu được trưng bày, triển lãm ảnh giới thiệu khái quát và khẳng định chủ quyền toàn vẹn biển, đảo Việt Nam; ca ngợi những tấm gương tiêu biểu của tập thể, cá nhân, những chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.