Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa hoàn thành Dự án “Khảo sát đo đạc, thành lập các loại bản đồ phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười”, nhằm cụ thể hóa các chính sách, pháp luật của Việt Nam bằng hành động để bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước, theo Công ước Ramrar mà nước ta đã tham gia.
Đồng Tháp Mười là một đồng lụt kín được bao quanh bởi các giồng đất cao ven biên giới Việt Nam - Campuchia, đê tự nhiên dọc sông Tiền và giồng biển cổ dọc theo Quốc lộ 1A (Tân Hiệp - Nhị Quý, Cai Lậy) và bị chặn lại do sông Vàm Cỏ Đông thuộc tỉnh Long An; diện tích khoảng 696.000 ha, nằm trọn vẹn trong địa phận 236 xã, phường của 17 huyện, thành phố thuộc 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang.
Nơi đây có hơn 1,1 triệu người sinh sống, có khả năng trữ hơn 100 tỷ m3 nước, gần bằng 1/8 lượng nước có được hàng năm của cả nước. Đồng thời là nơi cuối cùng còn tồn tại hệ sinh thái điển hình như rừng chàm, rừng lau sậy ngập nước, một trong số các hệ sinh thái có diện tích ngập nước khá lớn ở Việt Nam. Vùng này còn có 2 khu bảo tồn đất ngập nước lớn là Vườn Quốc gia Tràm Chim (Ramsar) ở Đồng Tháp, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen - Long An.
PGS.TS. Hà Minh Hòa, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ cho biết: Sản phẩm của Dự án “Khảo sát đo đạc, thành lập các loại bản đồ phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười” bao gồm tài liệu, số liệu thu thập được trong quá trình điều tra, khảo sát về vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười; các báo cáo chuyên đề về hiện trạng tài nguyên môi trường và kinh tế-xã hội vùng này; 280 mảnh bản đồ phân loại đất ngập nước tỷ lệ 1:5.000; 23 bản đồ chuyên đề về vùng đất ngập nước tỷ lệ 1:50.000, 1:100.000 và 1:200.000; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát triển vùng đất ngập nước nơi đây.
Về hiệu quả kinh tế và xã hội, Dự án này là cơ sở đảm bảo cho viêc sử dụng tài nguyên của vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười hiệu quả, hợp lý; giúp cho các cơ quan quản lý đề ra những chiến lược, chính sách phát triển phù hợp với các mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững vùng đất ngập nước; đảm bảo sự sống cho các loài động, thực vật quý hiếm, tạo môi trường sinh thái thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là công nghệ GIS sẽ giúp tiết kiệm chi phí mà vẫn đem lại hiệu quả cao trong quản lý và sử dụng sản phẩm của Dự án.
Sản phẩm của Dự án còn là một ngân hàng dữ liệu cung cấp thông tin về vùng đất ngập nước nội địa Đồng Tháp Mười, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước quản lý một cách hiệu quả tài nguyên, sự biến động về môi trường, cảnh quan sinh thái. Từ đó đưa ra các chính sách, định hướng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của người dân trong vùng.
Văn Hào