Phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề

Cập nhật: 16/04/2013
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

1

Đến năm 2020, di dời toàn bộ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoạt động trong khu dân cư vào khu, cụm công nghiệp làng nghề - Ảnh minh họa

Theo đó, đến năm 2015, xử lý triệt để ô nhiễm tại 47 làng nghề ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng theo Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015

Đến năm 2020, di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất thuộc nhóm tái chế giấy, tái chế kim loại, tái chế nhựa, nhuộm, giết mổ gia súc và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoạt động trong khu dân cư vào khu, cụm công nghiệp làng nghề.

Bên cạnh đó, tiếp tục xử lý ô nhiễm tại 57 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Danh mục do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định.

Phân loại làng nghề và các cơ sở sản xuất trong làng nghề

Một trong các nhiệm vụ của Đề án là thực thi có hiệu quả các công cụ quản lý môi trường. Cụ thể: Tổ chức điều tra, thống kê, kiểm kê, phân loại làng nghề và các cơ sở sản xuất trong làng nghề theo loại hình sản xuất và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; các làng nghề được công nhận, làng nghề chưa được công nhận và làng nghề truyền thống; mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề trên phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, lập quy hoạch tổng thể quản lý và phát triển làng nghề trên toàn quốc  theo tính truyền thống, vùng nguyên liệu sản xuất, bản sắc văn hóa dân tộc,… gắn với các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) để triển khai có hiệu quả Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề.

Áp dụng thử nghiệm 6 mô hình làng nghề truyền thống gắn với du lịch

Để định hướng cho việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên quy mô toàn quốc, sẽ lựa chọn, xây dựng và áp dụng thử nghiệm 6 mô hình làng nghề truyền thống gắn với du lịch thực hiện tốt các quy định về BVMT (2 mô hình làng nghề thủ công mỹ nghệ, 2 mô hình làng nghề dệt nhuộm, ươm tơ và 2 mô hình làng nghề sản xuất đồ gốm sứ) để đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi phổ biến, nhân rộng ra các địa phương có các loại hình làng nghề tương tự.

Bên cạnh đó, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng BVMT làng nghề như hệ thống tiêu thoát nước; các điểm thu gom, xử lý chất thải rắn (lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn).

Thực hiện thí điểm xây dựng 3 mô hình khu, cụm công nghiệp làng nghề để di dời các công đoạn, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường; đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi phổ biến, nhân rộng ra các địa phương có các loại hình làng nghề tương tự.

Theo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt 7 nhiệm vụ, giải pháp gồm:

1- Tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp; nâng cao chất lượng thẩm định yêu cầu bảo vệ môi trường trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển.

2- Chú trọng bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

3- Tập trung khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn, làng nghề.

4- Chỉ đạo quyết liệt, từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn và các lưu vực sông.

5- Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu.

6- Ngăn chặn có hiệu quả sự suy thoái của các hệ sinh thái, suy giảm các loài.

7- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Hoàng Diên

 

Nguồn: Chinhphu.vn