Bình Dương: Tổ chức Lễ hội ‘’Lái Thiêu mùa trái chín 2013’’

Cập nhật: 09/05/2013
Vườn cây ăn trái Lái Thiêu nổi tiếng từ xưa đến nay là vùng sinh thái nông nghiệp đặc sắc của Bình Dương và của cả vùng Đông Nam Bộ, đã từng được xem là “thánh địa” của nhiều loại cây lành trái ngọt, thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan hàng năm, đặc biệt là khách từ thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân khác nhau mà hình ảnh vườn cây ăn trái Lái Thiêu gần như đã vắng bóng trên thị trường.

 

Nhằm xây dựng lại thương hiệu “Vườn cây ăn trái Lái Thiêu” một thời đi vào tâm thức của người dân trong và ngoài tỉnh khi đến với vùng đất Lái Thiêu – Thuận An, góp phần thu hút khách đến Bình Dương tham quan, vui chơi giải trí, cùng tham gia các hoạt động của lễ hội. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương phối hợp với UBND thị xã Thuận An tổ chức lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín năm 2013” lần thứ nhất với chủ đề “Giao lưu cùng phát triển” tại xã Hưng Định, thị xã Thuận An và các địa điểm khác thuộc khu vực vườn cây ăn trái Lái Thiêu. Lễ hội được tổ chức từ ngày 8/6- 12/ 6/2013 (nhằm ngày Mùng 1 đến mùng 5/5 Âm lịch) với quy mô tổ chức trên 100 gian hàng tiêu chuẩn được chia ra thành nhiều khu vực:

 

Khu triển lãm và bán các loại trái cây được xem là khu vực chính của lễ hội, nơi tập trung tất cả các loại trái cây đặc trưng của Lái Thiêu và trái cây ngon, nổi tiếng của một số tỉnh, thành trong vùng Đông và Tây Nam Bộ. Đặc biệt là các loại trái cây có mặt trong top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam vừa được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận như: Măng cụt (Lái Thiêu); bưởi Biên Hòa, chôm chôm Long Khánh (Đồng Nai); nhãn xuồng cơm vàng (Vũng Tàu); mãn cầu Bà Đen (Tây Ninh); mãn cầu Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh); thơm Bến Lức (Long An); sầu riêng Ngũ Hiệp, sơri Gò Công, thanh long Chợ Gạo, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, nhãn tiêu da bò,… (Tiền Giang); bưởi da xanh Mỹ Thạnh An, măng cụt Chợ Lách, dừa (Bến Tre); quýt  đường, dừa sáp Cầu Kè (Trà Vinh), Bưởi Năm Roi Bình Minh, sầu riêng Ri-6 (Vĩnh Long); cam mật (Cần Thơ), nho (Ninh Thuận), Thanh Long (Bình Thuận)…

 

Khu hội chợ thương mại khoảng 50 gian hàng giới thiệu và bán các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao.

 

Khu trưng bày các sản phẩm làng nghề và các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu như: Sản phẩm sơn mài của làng Sơn mài Tương Bình Hiệp, gốm sứ vùng Thuận An, Tân Uyên, gốm sứ Minh Long, sản phẩm điêu khắc gỗ Phú Thọ, sản phẩm heo đất Lái Thiêu, guốc Phú Thọ,…

 

Khu ẩm thực bày bán các món ăn đặc trưng của vùng và các món ăn được chế biến từ trái cây như gỏi măng cụt, gỏi bưởi, nem Lái Thiêu, nước ép trái cây, các loại chè,… đặc biệt là món bánh bèo bì Bình Dương trong năm 2012 đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là một trong 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam.

 

Khu trò chơi dân gian và các hoạt động thể thao bao gồm các trò chơi dân gian thú vị hấp dẫn như bịt mắt đập heo đất, bịt mắt ăn trái cây, nhảy bao bố, nhảy sạp, ô ăn quan, đi cà kheo…

 

Khu vực bán các loại giống cây trồng: tại đây khách tham quan lễ hội có thể lựa chọn cho mình những giống cây trồng tốt nhất được đem về từ nhiều vùng khác nhau trong khu vực phía Nam.

 

Bên cạnh đó trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc tại sân khấu chính của lễ hội như hội thi “Hương Sắc miệt vườn”, hội thi “Đờn ca tài tử” và các chương trình ca múa nhạc đặc sắc diễn ra hằng đêm.   

 

Điểm nhấn quan trọng nhất của lễ hội thu hút du khách là con đường dẫn lối từ cổng chính vào khu vực lễ hội được trang trí bằng nhiều loại trái cây hấp dẫn.

 

 

 

Đặc biệt, khách tham quan lễ hội còn có cơ hội chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc được làm bằng trái cây thông qua hội thi tạo hình nghệ thuật từ trái cây. Cuộc thi nhằm tôn vinh môn nghệ thuật tạo hình bằng trái cây độc đáo góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc từ các tác phẩm tạo hình gợi nhớ về cội nguồn quê hương, biển đảo dân tộc, lịch sử vùng đất con người Bình Dương…

 

Bên cạnh các chương trình tổ chức xuyên suốt trong thời gian diễn ra lễ hội. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn phối hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch sinh thái vườn cây ăn trái Lái Thiêu”.Hội thảo nhằm tìm giải pháp thu hút khách tham quan du lịch sinh thái vườn cây Lái Thiêu và học tập, chia sẽ kinh nghiệm trong hoạt động du lịch vườn cây ăn trái của các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

 

Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” ngoài mục đích xây dựng lại thương hiệu “Vườn cây ăn trái Lái Thiêu” nổi tiếng một thời, đây còn là cơ hội để các chủ nhà vườn, các doanh nghiệp giao lưu, tìm hiểu, trao đổi và chia sẽ kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nêu cao vai trò của người dân trong việc góp tay vào xây dựng và phát triển du lịch sinh thái miệt vườn. Lễ hội còn là dịp để Bình Dương giới thiệu với các tỉnh, thành trong nước, kể cả khách nước ngoài về một hình ảnh quê hương, con người Bình Dương thân thiện, mến khách./.

Nguồn: sovhttdl.binhduong