TP Hạ Long đã và đang triển khai cuộc di dời các nhà bè ra khỏi Vịnh Hạ Long nhằm trả lại môi trường, cảnh quan, an ninh, trật tự… cho di sản thế giới; đồng thời tạo cơ hội cho dân vạn chài, trong đó nhiều gia đình có nhiều thế hệ lênh đênh trên sóng gió, rời biển lên bờ an cư, lạc nghiệp.
Cuộc di dân này được chuẩn bị khá kỹ lưỡng từ nhiều năm nay, với sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành trong tỉnh bằng một đề án gần 200 tỉ đồng và được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP Hạ Long cũng như của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2013. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí cuối tháng 3 vừa rồi, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long Phạm Hồng Hà khẳng định quyết tâm di dời, sắp xếp, ổn định đời sống cho 625 hộ dân, với khoảng 2.547 nhân khẩu, trước thời điểm 31-5-2014, dù đây là một nhiệm vụ khó khăn.
Ông Hà cho biết, đến nay, thành phố đã vận động được 27 hộ dân có hộ khẩu ngoài thành phố về nơi cư trú và tổ chức cưỡng chế 6 hộ tại phường Bạch Đằng. Hiện vẫn còn 141 hộ thuộc diện lẽ ra phải di dời trước 30-11-2012 nhưng chưa chịu đi, trong đó nhiều hộ xin phép thành phố gia hạn thời gian để vật nuôi trưởng thành và tự phá dỡ. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tiến hành tổ chức tuyên truyền và cưỡng chế tháo dỡ tất cả các lều lán, nhà bè vi phạm, không chấp hành việc di chuyển về 7 điểm quy hoạch neo đậu và cư trú trên Vịnh Hạ Long đã được UBND tỉnh phê duyệt gồm: Ba Hang, Hoa Cương, Cửa Vạn, Ba Hầm, Cống Tàu, Vông Viêng và Cống Đầm.
Di dời các nhà bè lên bờ sẽ giải quyết được vấn đề mỹ quan và đặc biệt là giảm thiểu ô nhiễm môi trường Vịnh Hạ Long.
Chứng minh cho quyết tâm di dời các nhà bè của TP Hạ Long, ngày 2-4-2013, UBND TP Hạ Long ban hành văn bản 1032/UBND chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố và các phường Đại Yên, Hùng Thắng, Bãi Cháy, Bạch Đằng, Hồng Hải, Hồng Hà phải tổ chức thống kê, kiểm đếm các hộ nhà bè trên Vịnh Hạ Long; tuyên truyền, vận động và yêu cầu các hộ nhà bè, chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú tại TP Hạ Long và có nhà trên đất liền phải di dời lên bờ trước 30-4-2013.
Theo Đề án di dời nhà bè, TP Hạ Long sẽ không giữ lại bất cứ nhà bè nào trên Vịnh Hạ Long. Sau này sẽ chỉ có hai loại hình bè ở trên vịnh. Một là bè nuôi trồng thuỷ sản, mà ở đó chỉ được dựng tạm lều cho những người trực tiếp nuôi trồng thuỷ sản trú chân. Những bè này phải nằm trong 6 điểm nuôi trồng thuỷ sản quy hoạch. Loại thứ hai là để bảo tồn những giá trị của làng chài trên vịnh và phục vụ du lịch.
Trên thực tế, mục tiêu di dời, sắp xếp các nhà bè trên Vịnh Hạ Long của TP Hạ Long đã có từ cách đây gần chục năm. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - khi ấy là Chủ tịch UBND TP Hạ Long đã rất quyết tâm chỉ đạo việc này. Tuy nhiên, việc di dời khi ấy như “bắt cóc bỏ đĩa”, phải đến lần này, với sự chỉ đạo của tỉnh, vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị của TP Hạ Long, công tác di dời các nhà bè mới thực sự có chuyển biến, được làm bài bản, từ kế hoạch di dời, quy hoạch quỹ đất, tuỳ theo đối tượng mà có hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, cấp đất miễn phí, hỗ trợ học nghề… cho các hộ dân chài lên bờ sinh sống lâu dài.
Theo thống kê, trên Vịnh Hạ Long hiện có trên 700 nhà bè, nhà nổi của các hộ dân sinh sống, doanh nghiệp nuôi trồng hải sản và dịch vụ khác. Như mục tiêu Đề án di dời các nhà bè trên Vịnh Hạ Long - ngoài trả lại cảnh quan tự nhiên cho di sản thì điều quan trọng nhất là việc di dời nhà bè trên vịnh sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường. Mặc dù Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã đầu tư phương tiện, bố trí nhân lực thu gom rác thải trên vịnh nhưng việc này là không thể triệt để. Những thức ăn thừa, thuốc chữa bệnh cho tôm cá, rác thải, xỉ than tổ ong... từ các nhà bè dịch vụ, nhà bè có hộ dân sinh sống, nuôi trồng thuỷ sản hàng ngày thải ra sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, tác động xấu đến hệ sinh thái đáy vịnh cũng như sự phát triển của các loài động, thực vật dưới nước.
Hy vọng, với sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh và quyết tâm của chính quyền TP Hạ Long, Đề án di dời các nhà bè trên Vịnh Hạ Long lần này sẽ đi đúng lộ trình đề ra.