Học sinh Côn Đảo tham gia bảo tồn đa dạng sinh học

Cập nhật: 04/09/2013
Sự hợp tác giữa các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ đã đưa một chương trình khoa học - giáo dục chưa từng có tiền lệ tới một quần đảo của Việt Nam – Côn Đảo.

Dự án có tên Giáo dục và Trao quyền cho giới trẻ Hành động vì Đa dạng sinh học thông qua Nhiếp ảnh (tên tiếng Anh: Biodiversity PEEK - Photography Educating and Empowering Kids) [từ đây gọi tắt là Dự án PEEK], sẽ tập huấn cho một số thanh thiếu niên địa phương được lựa chọn, có độ tuổi từ 13 – 16, trở thành các nhà khoa học, tự nhiên học, nhiếp ảnh gia, và trên hết là những “đại sứ” tuyên truyền về đa dạng sinh học độc đáo tại nơi mà các em sinh sống.

 

Nền kinh tế Côn Đảo lâu nay được phát triển dựa trên việc khai thác sự trù phú của nguồn tài nguyên thủy hải sản. Tuy nhiên hiện tượng suy giảm ngày càng nhanh nguồn cá song song với duy trì đánh bắt quá mức sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển nơi đây. Côn Đảo cũng là một trong những địa phương có đa dạng sinh học cao nhất Việt Nam, cả trên cạn cả dưới nước, với một số loài quý hiếm như rùa biển, bò biển (dugong) …

 

Dự án PEEK trao tặng máy ảnh cho các em học sinh Côn Đảo để các em tự mình ghi lại hình ảnh về những loài động thực vật của Côn Đảo và chia sẻ trên internet để cộng đồng trong nước và thế giới được chiêm ngưỡng và cảm nhận giá trị của đa dạng sinh học nơi đây.

 

Mục tiêu cao nhất của dự án là nhằm nâng cao nhận thức và lòng trắc ẩn đối với thiên nhiên hoang dã, thông qua đó kêu gọi những hành động cụ thể để bảo vệ giá trị đa dạng sinh học của hệ sinh thái địa phương.

 

Từ 60 em học sinh đăng ký tham gia chương trình, 6 em xuất sắc và phù hợp nhất cho chương trình đã được lựa chọn tham gia dự án PEEK sau 2 vòng tuyển chọn. Đó là các em: Lê Trần Anh Thư, Nguyễn Trần Ngọc Nhi, Trần Nhân Đạt, Nguyễn Đăng Khoa, Võ Hoàng Minh Thuận, Đặng Việt Trung Nhân - là các em học sinh lớp 8 và 9 thuộc trường THCS - THPT Võ Thị Sáu, huyện Côn Đảo.

 

Để tham gia dự án này, các em được các chuyên gia của dự án cung cấp các kiến thức về môi trường và đa dạng sinh học, cũng như tập huấn các kỹ năng cần thiết để có thể tự mình ghi lại hình ảnh của môi trường thiên nhiên tại Côn Đảo và sử dụng hình ảnh này cho các mục đích giáo dục và nghiên cứu khoa học ngay tại Côn Đảo cũng như những nơi khác trong nước và trên thế giới.

 

Trình bày về dự án tai buổi lễ phát động, Bà Stephanie Jo Bowman, Giám đốc Giáo dục của tổ chức The Biodiversity Group, cho biết: "Qua dự án này, chúng tôi mong muốn kéo người dân, doanh nghiệp, cùng Vườn Quốc gia Côn Đảo xích lại gần nhau hơn nữa để cùng có thể cùng nhau bảo tồn sự đa dạng đáng kinh ngạc trên cả đất liền và dưới đại dương nơi đây". Bà cũng chia sẻ thêm: “Ngay từ khi tới đây, chúng tôi đã vô cùng phấn khởi khi chụp được ảnh một số loài lưỡng cư mà chưa được khoa học thế giới ghi nhận, hoặc được tận mắt nhìn thấy một số loài, mà người dân nơi đây có thể nhìn thấy hàng ngày, nhưng đối với chúng tôi thì mới chỉ thấy trên tranh ảnh hay tài liệu khoa học. Mong muốn của chúng tôi, là biến các em học sinh Côn Đảo trở thành những nhà khoa học “nhí”, những người sẽ giúp thu thập tư liệu và thông tin về đa dạng sinh học Côn Đảo, thậm chí có thể phát hiện ra những loài mới cho khoa học.”

 

Phát biểu tại buổi lễ ngày 3/9, ông Châu Anh Kiệt, Phó Chủ tịch UBND Huyện Côn Đảo, đã đánh giá cao dự án. “Đây tuy là một dự án nhỏ, nhưng hết sức ý nghĩa đối với Côn Đảo, vì đây là lần đầu tiên có một dự án về đa dạng sinh học mà chính các em học sinh Côn Đảo lại là những người thực hiện dự án”, ông phát biểu. “Tôi rất vui mừng vì Dự án PEEK đã chọn Côn Đảo, và tôi hy vọng dự án sẽ tiếp tục được mở rộng, để có thể có thêm nhiều em học sinh của Côn Đảo có được cơ hội học tập và mở mang trí tuệ tuyệt vời như thế này”.

 

Trong những ngày thực hiện dự án, sau giờ học ở trường, 6 em học sinh đã được các chuyên gia của TBG, các cán bộ của Vườn quốc gia Côn Đảo tập huấn cho các kỹ năng bơi lặn, chụp ảnh trên cạn và dưới nước, cách nhận biết các loài trong đêm khi đi chụp ảnh trong rừng... Các em được lặn xem rạn san hô, được xem rùa biển đẻ trứng, thăm quan hồ ấp trứng rùa và xem trứng rùa nở, tham gia thả rùa con về biển, cũng như vào rừng chụp ảnh các loài vật ban đêm. Em Lê Trần Anh Thư vui mừng chia sẻ: “Em sống ở Côn Đảo mười mấy năm rồi mà giờ mới nhìn thấy rạn san hô, thấy các loài vật, và thấy rừng đẹp như thế này. Và em chỉ muốn tất cả bạn bè em, và người dân ở Côn Đảo ai cũng được nhìn những cái đẹp này. Hy vọng những bức ảnh bọn em chụp sẽ làm được điều đó.”

 

Toàn bộ hình ảnh của các em học sinh chụp được trong dự án PEEK, sẽ được lựa chọn và đăng tải trên trang web http://www.inaturalist.org/, nơi đăng tải hàng triệu bức ảnh thiên nhiên và các loài vật trên thế giới.

 

Dự án PEEK được xây dựng và thực hiện bởi Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) và The Biodiversity Group với sự tài trợ của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM, sự hỗ trợ kỹ thuật từ Vườn Quốc gia Côn Đảo. Dự án cũng nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Trường THCS - THPT Võ Thị Sáu và một số số doanh nghiệp địa phương vốn rất quan tâm tới bảo vệ đa dạng sinh học Côn Đảo như Six Senses Resorts, Rainbow Divers cũng đóng góp cho dự án bằng nhiều phương thức như hỗ trợ tàu thuyền, nhân viên và trang thiết bị trong suốt thời gian thực hiện.

 

Ông Châu Anh Kiệt - Phó Chủ tịch UBND Huyện Côn Đảo

 phát biểu tại lễ khai mạc dự án. (c) PEEK/CHANGE

 


 

Anh Văn, cộng tác viên của dự án, cũng là người dân Côn Đảo đang kể cho các em học sinh về quá trình từ một ngư dân thảm sát các loài hải sản và động vật biển đã trở thành người bảo vệ biển như thế nào. (c) PEEK/TBG

 


 

Các em học sinh đi tàu ra biển chuẩn bị lặn và chụp ảnh dưới nước. (c) PEEK/TBG

 

Nguồn: VACNE