Khám phá Pù Luông

Cập nhật: 18/10/2013
Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa, thuộc địa phận hai huyện Quan Hóa và Bá Thước, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông hiện đang lưu giữ những giá trị cảnh quan thiên nhiên phong phú, hệ động thực vật đa dạng, là điểm đến hấp dẫn với những ai ưa thích khám phá thiên nhiên…

Khu Bảo tồn Thiên nhiên (KBTTN) Pù Luông có diện tích 17.662 ha, hiện là khu vực rừng núi đá vôi đất thấp lớn nhất còn lại ở miền Bắc Việt Nam với 3 kiểu rừng chính: Rừng rậm trên đất thấp, núi thấp; rừng trên núi đá vôi; các thảm thực vật măng tre nứa và cây bụi.

 

Ở độ cao từ 800 - 1000m là khu vực rừng nguyên sinh, xứ sở của loài Trai Lý cổ thụ. (Ảnh: Thông Thiện)

 

 

 

Những tán rừng Pù Luông quanh năm mây mù là điều kiện lí tưởng cho hệ thực vật phát triển phong phú và đa dạng. (Ảnh: Việt Cường)


 

 

Báo đốm và cu ly trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông. (Ảnh: Tư liệu)

 

Theo số liệu của Ban Quản lí KBTTN Pù Luông, hiện Khu bảo tồn có 1.109 loài cây có mạch, thuộc 447 chi, 152 họ, trong đó có 42 loài là đặc hữu Việt Nam và 4 loài xếp trong Sách đỏ Thế giới; gần 600 loài động vật gồm thú, chim, lưỡng cư..., với 51 loài động vật quý hiếm và đặc hữu xếp trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới, trong đó thú 26 loài, dơi 5 loài, chim 9 loài, cá nước ngọt 5 loài, bò sát 6 loài. Đặc biệt, KBTTN Pù Luông là nơi có quần thể linh trưởng mang tính đặc hữu Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) lớn thứ hai ở Việt Nam, sau Khu Bảo tồn Thiên nhiên Vân Long (Ninh Bình) với số lượng khoảng 31-38 cá thể.

Chạy xuyên suốt KBTTN Pù Luông là đường 15C. Từ Hà Nội có thể đến Khu bảo tồn này theo hai đường, hướng từ bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) qua quốc lộ 47 gặp đường 15C tại ngã ba Co Lương hoặc theo đường Hồ Chí Minh rẽ phải ở thị trấn Cẩm Thủy, Thanh Hóa, gặp đường 15C tại thị trấn Cành Nàng. Đến Pù Luông, du khách có nhiều sự lựa chọn như khám phá vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, những khu rừng sinh thái với hệ động thực vật phong phú, tìm hiểu phong tục, tập quán của người Thái, người Mường giản dị, mộc mạc ở nơi này.

Với những ai ưa thích mạo hiểm, chuyến leo núi chinh phục đỉnh Pù Luông, ngọn núi cao nhất vùng với độ cao 1700m sẽ là một trải nghiệm khó quên. Những khó khăn, vất vả sau một chặng leo núi hơn 5 tiếng dường như tan biến khi được ngắm từ trên cao vẻ đẹp hùng vĩ của thung lũng Pù Luông. Nếu chọn cách chạy xe dọc đường 15C, dù theo hướng nào, du khách cũng được hòa mình với thiên nhiên, qua những bản làng dựa lưng vào núi, những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp xen kẽ những khu rừng nguyên sinh xanh mướt.

 

Dừng chân ở bản Hang, du khách được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang trùng điệp, được tìm hiểu tập quán canh tác truyền thống của người dân nơi đây. Đến với bản Kho Mường, ngoài cảnh quan, địa thế hùng vĩ, du khách được khám phá hang động với những nhũ đá huyền bí. Một địa danh không thể bỏ qua khi đến Pù Luông là bản Hiêu. Trên con đường không xa từ thị trấn Phố Đoàn vào bản, du khách có thể bắt gặp rất nhiều guồng nước đặc trưng của người Thái. Qua cầu treo, vượt lên con dốc trên đồi đất, từ xa đã nghe tiếng thác nước bản Hiêu ầm ầm đổ. Thật lạ lùng, dòng suối với những nhánh nhỏ len lỏi chảy quanh bản, ngay cạnh chân cầu thang của những nếp nhà sàn, chảy ra ruộng lúa rồi bất chợt đổ xuống tạo ra hai thác nước hùng vĩ tung bọt trắng xóa...

 

Ở Pù Luông, bạn có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của người Thái. (Ảnh: Thông Thiện)

 


Người Thái ở Pù Luông ví chiếc guồng nước như chiếc máy bơm đưa nước lên ruộng bậc thang. (Ảnh: Thông Thiện)

 

Ở Pù Luông, bạn có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của người Thái. (Ảnh: Thông Thiện)

 

Để bảo vệ sự đa dạng sinh học, người dân trong vùng chỉ tận thu những sản phẩm đã khô từ rừng để phục vụ cuộc sống.
(Ảnh: Việt Cường)

 

Người Thái ở bản Hiêu sống quần cư và thân thiện với nhiên nhiên. (Ảnh: Việt Cường)

 

Phiên chợ của người Thái ở Pù Luông. (Ảnh: Thông Thiện)

 

Sau một ngày khám phá đất Pù Luông, du khách có thể nghỉ ngơi lưu trú trong các ngôi nhà sàn rộng rãi, thoáng mát của người dân bản địa. Tại KBTTN Pù Luông hiện đang phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng. Đây là loại hình du lịch do chính người dân tổ chức dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống song song với việc bảo vệ, gìn giữ cảnh quan môi trường. Bên bếp lửa nhà sàn, chủ và khách cùng thưởng thức các món ăn lạ miệng như cơm lam, nộm hoa chuối rừng, canh đắng…, cùng say men rượu cần và say mê thưởng thức những điệu múa sạp, múa xòe, hát lượn…

Đến KBTTN Pù Luông, một màu xanh mướt trải đều trên các cánh rừng bất tận, ruộng bậc thang trùng điệp đem lại cho du khách cảm giác như lạc vào một thung lũng cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. KBTTN Pù Luông vẫn còn ẩn chứa không ít điều thú vị, hiện là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước./.

Nguồn: Báo ảnh Việt Nam