Sử dụng hợp lý tài nguyên Vườn Quốc gia Xuân Thủy

Cập nhật: 29/10/2013
Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) là khu RAMSAR đầu tiên của nước ta có hệ động thực vật khá phong phú và đa dạng. Nhờ có chính sách quản lý phù hợp, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thuộc các tổ chức phi Chính phủ giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, sử dụng khôn khéo đất ngập nước, Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã giảm được sức ép khai tài nguyên và môi trường của cộng đồng nơi đây, được người dân ủng hộ và đồng thuận cao trong việc phát triển tài nguyên môi trường biển.

 

Theo ông Phan Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định: Vườn Quốc gia Xuân Thủy có trên 120 loài thực vật bậc cao, trong đó có gần 20 loài thích nghi với điều kiện sống ngập nước hình thành nên hệ thống rừng ngập mặn rộng trên 3.000ha; trên 220 loài chim, trong đó có trên 150 loài chim di cư, 50 loài chim nước và có 9 loài nằm trong Sách đỏ quốc tế. Ngoài là điểm dừng chân, cung cấp nguồn thức ăn của các loài chim di trú, Vườn còn là khu bảo tồn giống rất giàu tiềm năng của ngành hải sản.   

 

Sự thuận lợi về điều kiện tự nhiên cũng chính là lý do Vườn Quốc gia Xuân Thủy phải đối diện với những khó khăn trước áp lực về nuôi trồng và khai thác nguồn lợi thủy sản nói riêng, tài nguyên và môi trường nói chung. Do dân số thuộc các xã vùng đệm tương đối đông và chủ yếu làm nông nghiệp, nên buộc họ phải khai thác 2.000ha vùng bãi bồi ven biển làm đầm nuôi tôm, trên 500ha nuôi thả đánh bắt cá (vây Vạng). Song đa số các hộ nghèo vẫn phải sống dựa vào nguồn đánh bắt thủy sản tự nhiên ở vùng lõi của Vườn Quốc gia.    

 

Vì vậy, sau khi Vườn Quốc gia Xuân Thủy được giao cho Nam Định quản lý, UBND tỉnh đã cụ thể hóa công tác quy hoạch, quản lý và bảo vệ Vườn, trong đó có Quyết định 1853/2009 về việc ban hành quy chế quản lý, sử dụng đất ngập nước ven biển để thả nuôi và khai thác các loại nhuyễn thể. Trên cơ sở đó, Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã phối hợp với các tổ chức phi Chính phủ, chính quyền địa phương và cộng đồng phát triển các tour tuyến, điểm du lịch sinh thái bền vững. Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng được hình thành tại xã Giao Xuân và đang hoạt động với hiệu quả cao. Trong thời gian tới, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng cũng sẽ được xây dựng tại xã Giao Thiện.   

 

Các tuyến du lịch đang được tiến hành ở khu vực Vườn Quốc gia gồm tuyến xem phim, tuyến du thuyền cửa sông, tuyến đi bộ qua các đầm nuôi tôm và tuyến du lịch đồng quê. Những tuyến du lịch cộng đồng này đã và đang huy động đông đảo người dân địa phương tham gia, họ trực tiếp là người hướng dẫn, cũng cấp dịch vụ nên có điều kiện tăng thu nhập, kể cả sản xuất các sản phẩm truyền thống bán cho du khách. Bên cạnh đó, người dân các xã vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy còn phát triển mạnh nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến, mà không phải bổ sung thức ăn công nghiệp. Trong các đầm nuôi tôm vẫn duy trì diện tích rừng ngập mặn nhất định tạo bóng râm cho tôm cá trú ẩn.    

 

Đặc biệt, trên tổng diện tích 1.500ha mặt nước bán ngập tại Vườn thuộc vùng phục hồi sinh thái đã được quy hoạch nuôi ngao. Với 3 loại hình sản xuất là nuôi ngao thịt, chuyên ươm ngao giống và khai thác giống tự nhiên. Năm 2005, huyện Giao Thủy đã cho sinh sản giống ngao bằng phương pháp nhân tạo thành công, đến nay đã đáp ứng được 40% ngao giống tại chỗ. Riêng năm 2011 sản xuất tới 3 tỷ ngao cám. Sản phẩm ngao của huyện Giao Thủy nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung, đã được EU công nhận là thực phẩm an toàn cấp B liên tục kể từ năm 2004.   

 

Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Xuân Thủy đang phối hợp với các tổ chức phi Chính phủ như IUCN, MEF, MCD, WAP xây dựng cơ chế đồng quản lý rừng ngập mặn. Theo cơ chế này, cộng đồng sẽ được tập hợp thành các tổ nhóm và được giao một diện tích rừng ngập mặn nhất định để khai thác thủy sản. Đây là cơ chế giúp cho công tác quản lý đạt hiệu quả cao, vừa giúp cộng đồng nhất là người nghèo và phụ nữ có nguồn thu nhập ổn định, do biết sử dụng khôn khéo đất ngập nước mang lại, vừa bảo vệ được nguồn tài nguyên thiên nhiên của Vườn.    

 

Chính quyền địa phương cũng đã hỗ trợ cho các ngư dân xã Giao Hải và Giao Long phát triển những đội đánh bắt cá chuyên dụng, với số lượng tàu thuyền lên tới 400-500 chiếc. Cùng với đó là khuyến khích và hỗ trợ các hộ dân địa phương phát triển nhiều mô hình sinh kế mới như trồng nấm, nuôi ong, VAC, nuôi giun quế làm thức ăn cho gia cầm. Chính những cơ chế chia sẻ lợi ích và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên được người dân đồng tâm thực hiện, đã giảm được áp lực lên công tác bảo tồn, giúp Vườn Quốc gia Xuân Thủy phát triển bền vững.

Nguồn: monre.gov.vn