Làng sinh thái là một mô hình phát triển kinh tế hài hòa với tài nguyên thiên nhiên và môi trường gắn với duy trì văn hóa truyền thống bản địa.
Thay đổi tư duy về bảo vệ môi trường
Theo Viện Kinh tế sinh thái (Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), thì tiêu chí xây dựng Làng sinh thái cần phải xây dựng dựa trên các nội dung cơ bản là bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch: Tạo môi trường sinh thái có lợi cho con người; bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học; vệ sinh môi trường, đảm bảo cảnh quan xanh - sạch. Từ năm 1990 cho đến nay, Việt Nam đã ghi nhận được 16 Làng sinh thái tại 3 hệ sinh thái nhạy cảm là đồi trọc, cồn cát và vùng đất ngập nước thuộc các tỉnh, thành tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam.
Thông thường, những vùng sinh thái đặc thù kém bền vững được lựa chọn để xây dựng mô hình hệ kinh tế sinh thái nhằm giúp đỡ nhân dân thông qua kỹ thuật nông nghiệp để ổn định cân bằng sinh thái, chuyển đổi cơ cấu để thúc đẩy sản xuất phát triển. Bên cạnh đó, sinh thái nhân văn cũng được chú trọng, giúp cải thiện toàn diện cuộc sống của người dân. Các Làng sinh thái đã được lựa chọn thử nghiệm là vùng đồng bằng ngập nước, vùng cát hoang hóa ven biển và vùng đồi núi trơ trọc. Ba mô hình thành công tiêu biểu ở cả 3 Làng sinh thái kể trên là tại xã Phú Điền (Nam Sách, Hải Dương); xã Hải Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) và thôn Sổ, xã Hợp Nhất (Ba Vì, Hà Nội).
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, xây dựng thành công mô hình Làng sinh thái ở các vùng sinh thái nhạy cảm, kém bền vững đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Từ việc nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và làm giàu cho xã hội, tạo dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc trên cơ sở phát triển bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học có hiệu quả, đến việc phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, đồng thời cũng bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.
Nhiều đặc điểm tự nhiên và kinh tế - xã hội, văn hóa của Làng sinh thái có tính đặc trưng cho các vùng nông thôn ở Việt Nam, bao gồm cả miền núi và đồng bằng. Những vấn đề đặt ra cho những làng này là tài nguyên thiên nhiên bị suy thoái hoặc sử dụng không hợp lý và đời sống của người dân địa phương gặp nhiều khó khăn. Cách giải quyết khi xây dựng Làng sinh thái là tìm ra một phương thức để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, mà quan trọng nhất là phát triển nông - lâm - nghiệp gắn với điều kiện văn hóa truyền thống và kiến thức bản địa của từng vùng, nhằm nâng cao đời sống của người dân. Đây chính là đặc điểm khiến Làng sinh thái có thể nhân rộng cho nhiều vùng trong cả nước.
Lấy cộng đồng làm trọng tâm
Để kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, con đường duy nhất là phải chọn sự phát triển theo nguyên tắc bền vững. Trước yêu cầu đó, việc xây dựng Làng sinh thái là một hướng đi nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững cho các vùng nông thôn, vùng cao, vùng xa ở Việt Nam là rất cần thiết, góp phần giải quyết những yêu cầu của cuộc sống đặt ra, thực hiện chủ trương của Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, giảm bớt sự chênh lệnh giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn.
Phát huy tốt vai trò của cộng đồng sẽ góp phần thúc đẩy “sức ép cộng đồng” trong công tác bảo vệ môi trường. “Sức ép cộng đồng” chính là một dạng của chế tài thương mại trong công tác bảo vệ môi trường. Thực tế, chế tài thương mại đã và đang được áp dụng vô cùng hiệu quả trên thế giới nhưng ở Việt Nam, khái niệm này đến nay vẫn còn khá mới mẻ.
Đối với một doanh nghiệp thì uy tín đối với cộng đồng nói chung và đối với khách hàng nói riêng là điều sống còn, nó quyết định đến việc thành công hay thất bại của một doanh nghiệp. Uy tín ở đây thể hiện ở lòng tin của cộng đồng đối với sản phẩm doanh nghiệp sản xuất; những lợi ích mà doanh nghiệp đó đem lại cho cuộc sống của cộng đồng. Tất cả những thứ đó tạo nên danh tiếng và thương hiệu cho một doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có thể chấp nhận những mức phạt hành chính cao nhưng doanh nghiệp lại không thể thờ ơ đứng nhìn uy tín, thương hiệu của mình trở lên xấu xí trong mắt cộng đồng. Điều này lý giải tại sao các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường sợ nhất khi hành vi vi phạm bị phát giác và thông tin rộng rãi cho cộng đồng.
Muốn cho người Việt quen với “văn hóa tẩy chay”, “văn hóa từ chối” hay biết nói “không” với những sản phẩm gây tổn hại đến môi trường, ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng thì ngay trong quá trình hoạch định và thi hành chính sách về môi trường, vai trò của cộng đồng phải được chú trọng và đảm bảo.