Việt Nam hướng tới nền kinh tế và tăng trưởng xanh

Cập nhật: 14/01/2014
Trong giai đoạn 2011 – 2015, Việt Nam sẽ đẩy mạnh “Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng” trong thời gian sắp tới. Đây là cơ hội để Việt Nam hướng tới “Nền Kinh tế xanh” và “Tăng trưởng xanh” – theo Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên&Môi trường (Bộ Tài nguyên&Môi trường).

 

Chuyển đổi phương thức phát triển, hướng tới xây dựng “Nền kinh tế xanh” là hướng tiếp cận mới, tuy nhiên xét về dài hạn đây là hướng tiếp cận phù hợp với xu thế phát triển chung của hệ thống kinh tế toàn cầu.

 

Với xu hướng hội nhập và chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế trong thời gian vừa qua, nhất là từ năm 1945 đến nay, mặc dù kinh tế thế giới đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng các mô hình phát triển kinh tế trong giai đoạn này theo kiểu nền kinh tế “nâu”, đó là một nền kinh tế khai thác và sử dụng quá nhiều năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây ra những tổn hại to lớn cho môi trường như ô nhiễm không khí, nguồn nước và đại dương, suy thoái đất, mất rừng và suy giảm đa dạng sinh học.

 

Để khắc phục tình trạng này và rút ngắn khoảng cách trong phát triển có tính dài hạn nhằm phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, mang lại phúc lợi tốt nhất cho người dân, yêu cầu chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế là tất yếu  nhằm “Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng đảm bảo phúc lợi và bảo vệ tài nguyên mô trường”, muốn vậy nên tiếp cận theo hướng “nền kinh tế xanh”.

 

Mục tiêu hướng tới của toàn cầu

 

Theo kết qủa nghiên cứu của các tác giả trong tài liệu “Hướng tới nền kinh tế xanh” do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) công bố năm 2011, mô hình kịch bản đầu tư xanh với số vốn khoảng 2% GDP toàn cầu (khoảng 1300 tỷ USD), trong đó khoảng một phần tư của tổng số (0,5% GDP) tương đương với số tiền 350 tỷ USD được đầu tư cho các lĩnh vực sử dụng nhiều vốn tự nhiên như các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, nước sạch và thủy sản. Trong mô hình kinh tế vĩ mô, các tác giả cũng đã tính toán và chỉ ra rằng, xét trong dài hạn, đầu tư vào nền kinh tế xanh sẽ cải thiện hiệu quả kinh tế và tăng tổng lượng của cải trên toàn cầu. Mặt khác sự đầu tư đó sẽ đem lại hiệu quả trong việc phục hồi các nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo, giảm thiểu những rủi ro môi trường và tái thiết sự thịnh vượng cho tương lai. Như vậy xây dựng một nền kinh tế xanh cũng không thay thế và mâu thuẫn với “Phát triển bền vững”, vì phát triển bền vững thực chất là “sự phát triển đáp ứng được các nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ tương lai”, phát triển bền vững nhằm đạt tới mục tiêu dài hạn (mục tiêu thiên niên kỷ), còn xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa chúng ta tới đích của phát triển bền vững.

 

Mặc dù khái niệm kinh tế xanh (Green Economy) mới được UNEP đề xuất, nhưng nội hàm của nó như đã đề cập ở trên thực chất là sự nâng cấp của khái niệm truyền thống trước đây là Kinh tế môi trường “Environmental Economy”, tuy nhiên “Kinh tế xanh” đã mở ra một hướng tiếp cận rộng hơn cho cả những điều chỉnh từ chính sách kinh tế vĩ mô và điều hành thực hiện trong kinh tế vi mô, nhất là đối với chính sách công trong đầu tư cho khôi phục tài nguyên và môi trường. Khái niệm mới ra đời nhưng trong thực tế đã có nhiều quốc gia đã và đang thực hiện theo hướng xanh hóa nền kinh tế, thậm chí các chỉ tiêu đo lường đã được một số quốc gia áp dụng như GDP xanh (Green GDP) cho chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Đối với hoạt đông của doanh nghiệp, những sản phẩm có chất lượng cao và có sức cạnh tranh trên thế giới trong thời gian vừa qua cũng là những sản phẩm không chỉ đạt về mặt chất lượng mà còn đảm bảo yêu cầu về môi trường, đó là những sản phẩm đã đăng ký và được cấp chứng chỉ ISO-14000, những sản phẩm xanh được cấp nhãn sinh thái (Eco-label), những sản phẩm đó chính là sự lựa chọn của người tiêu dùng. Tại Hội nghị của các quan chức cấp Bộ trưởng do UNEP tổ chức ở Nairobi, Kenya tháng 02/2011 nhằm chuẩn bị nội dung và thảo luận những vấn đề cần đưa ra bàn thảo và thống nhất để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh về Môi trường&Phát triển Bền vững năm 2012 ở Rio de Janerio, Brazil, các quốc gia cơ bản nhất trí mục tiêu hướng tới của các nền kinh tế toàn cầu là “Kinh tế xanh”, trong đó cần chú trọng tới “Sản xuất và tiêu dùng bền vững” .

 

Từ khởi xướng của UNEP về “Kinh tế xanh”, để thực hiện nền kinh tế xanh, đòi hỏi các quốc gia căn cứ vào thực tiễn của mỗi nước tiến hành chuyển đổi mô hình và phương thức phát triển kinh tế cho phù hợp với xu thế phát triển mới, phải có sự điều chỉnh kết cấu kinh tế. Trong thực tế đã có một số nước mặc dù không nói rõ phát triển “nền kinh tế xanh”, nhưng họ đã có những điều chỉnh và chuyển đổi phương thức phát triển không theo phương thức phát triển cũ nữa -“Kinh tế nâu”.

 

Việt Nam hướng tiếp cận nền “Kinh tế xanh”

 

Nằm trong xu thế phát triển chung của kinh tế thế giới với sự điều chỉnh về mô hình phát triển và thay đổi cơ cấu ngành nghề, do vậy hướng tới nền “Kinh tế xanh” là lựa chọn hợp lý. Nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, các quốc gia đang có nhiều nỗ lực, trong đó phát triển kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh đang là những xu hướng mới trong lộ trình tiến tới “Nền kinh tế xanh”. Việt nam sẽ đón nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia và các tổ chức quốc tế trên thế giới trong nỗ lực chung giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở hướng tới “Nền kinh tế xanh”.

 

Việt Nam đang có những thay đổi cơ bản sau 24 năm “Đổi mới và mở cửa”, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng tới một sự phát triển vì con người, những yếu tố đó được thực hiện trong một môi trường chính trị ổn định là cơ hội tốt cho triển khai thực hiện “Nền kinh tế xanh”.

 

Tiếp tục triển khai, thực hiện chiến lược  phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt nam đã khẳng định đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo phúc lợi và an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Như vậy Việt nam sẽ đẩy mạnh “Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng” trong thời gian sắp tới. Đây là cơ hội để Việt Nam hướng tới “Nền kinh tế xanh” và “Tăng trưởng xanh”.

 

Bên cạnh những cơ hội như đã nêu ở trên, thực hiện “Nền kinh tế xanh”, Việt Nam sẽ gặp phải những thách thức đòi hỏi phải vượt qua.

 

Trước hết, về nhận thức, hiểu thế nào là một nền “Kinh tế xanh” hiện nay ở Việt nam vẫn còn hết sức mới mẻ, đòi hỏi phải có những nghiên cứu và phổ biến rộng rãi kiến thức trong tầng lớp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân. Nếu không nhận thức đầy đủ, tính đồng thuận trong xã hội sẽ không đạt được, do vậy sẽ khó thực hiện.

 

Thứ hai, về cách thức tiến hành, so với nền kinh tế truyền thống-“Nền kinh tế nâu”, xây dựng mô hình mới-“Nền Kinh tế Xanh”, thay đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế có sự khác biệt như thế nào và bắt đầu từ đâu trong bối cảnh phát triển kinh tế Việt nam hiện nay.

 

Thứ ba, nền kinh tế xanh gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, cac bon thấp, tăng trưởng xanh, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường…. Thực tế công nghệ sản xuất ở Việt nam hiện nay so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ nếu không có trợ giúp của các nước có công nghệ cao trên thế giới. Nhiều vùng nông thôn và khu vực miền núi, sinh kế người dân còn gặp nhiều khó khăn.

 

Thứ tư, về huy động nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu “Xây dựng nền kinh xanh”, mặc dù Việt nam đã thoát khỏi ngưỡng của nước nghèo nhưng tích luỹ quốc gia so với các nước đã phát triển còn quá thấp, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai hướng tơi “Nền kinh tế xanh”.

 

Thứ năm, cơ chế chính sách hướng tới thực hiện “Nền kinh tế xanh” ở Việt nam hiện nay gần như chưa có, trong khi trên thế giới cũng mới đề xuất hướng tiếp cận. Việc rà soát lại cơ chế chính sách liên quan và sửa đổi bổ sung cho phù hợp với mô hình phát triển mới theo hướng cơ cấu lại ngành kinh tế và hướng tới nền “Kinh tế xanh” là thách thức không nhỏ.

Nguồn: MTX