Phát triển bền vững môi trường vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai

Cập nhật: 16/01/2014
Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức đánh giá sức tải môi trường và tìm các giải pháp phát triển bền vững môi trường vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

 

Từ tháng 8/2011 đến tháng 12/2013, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành điều tra khảo sát, thực hiện các thí nghiệm hiện trường tại ba điểm là phá Tam Giang, đầm Sam - Thủy Tú và đầm Cầu Hai (thuộc hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai), vào các mùa mưa. Sau hơn 2 năm thực hiện cho thấy, lượng nước thải, chất thải của các địa phương trải dài trên 5 huyện đổ về môi trường vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai chiếm trên 80% lượng chất thải đổ vào đầm phá. Các nguồn thải chủ yếu là sinh hoạt của dân cư, khách du lịch và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các nguồn thải công nghiệp và nuôi trồng thủy sản tuy chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng nguồn thải nuôi trồng thủy sản là nguồn thải trực tiếp. Dự tính, đến năm 2020, lượng chất thải này sẽ tăng lên khoảng 1,3 đến 1,4 lần thậm chí gấp đôi so với hiện nay. Trong khi đó, khả năng trao đổi nước trong đầm phá nhỏ, khoảng 5% ở đầm Cầu Hai, 30% ở Đầm Sam-Thủy Tú và 36% ở phá Tam Giang.

 

Ngoài ra khả năng tự làm sạch tự nhiên của thủy vực, đặc biệt trong mùa mưa khá tốt. Tuy nhiên, mức độ phân hủy vật chất hữu cơ kém do mức chất hữu cơ trong nước khá cao so với các khu vực khác. Theo kết quả tính toán sức tải của thủy vực cho thấy so sánh giữa khả năng tiếp nhận và lượng thải hiện tại thì phá Tam Giang, đầm Sam-Thủy Tú, đầm Cầu Hai đã quá tải với hầu hết các thông số từ 2 đến 5 lần đối với nhóm chất hữu cơ và dinh dưỡng, khả năng nồng độ các chất này vượt tiêu chuẩn môi trường là rất lớn. Chính vì vậy, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp phát triển bền vững môi trường vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, bao gồm: giảm nguồn phát thải, tăng cường trao đổi nước, ổn định lượng nước trong đầm phá, tăng cường khả năng tự làm sạch của hệ thống đầm phá và một số giải pháp quản lý.

 

Hội Nghề cá tỉnh Thừa Thiên - Huế đồng hành bảo vệ môi trường bằng việc xây dựng hệ thống khu bảo vệ thủy sản đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Ông Nguyễn Lương Hiền, Chủ tịch Hội cho biết: Toàn tỉnh có 34 chi hội nghề cá cơ sở được giao quyền khai thác thủy sản với tổng diện tích mặt nước trên 14.500 ha. Một trong những hoạt động nổi bật của hội nghề cá tỉnh là gắn kết, đồng hành cùng với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai xây dựng 10 khu bảo vệ thủy sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, với tổng diện tích là 300ha.

 

Trong quá trình hoạt động, mô hình quản lý này đã đạt được mục tiêu đề ra, đó là có sự chia sẻ quyền lực trong việc quản lý nguồn lợi tự nhiên giữa chính quyền và cộng đồng ngư dân thông qua việc thành lập các chi hội nghề cá và các quy chế, quyết định được pháp lý hóa dựa trên lợi ích chung của cộng đồng và lợi ích của cá nhân trong việc sử dụng, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng đầm phá. Đặc biệt, các chi hội nghề cá trực tiếp quản lý, tiến hành tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn hiện tượng khai thác trái phép, nhất là khai thác mang tính chất hủy diệt như rà điện, sử dụng lưới đánh cá mắt lưới quá nhỏ để tận diệt tôm cá và các loài thuỷ sinh..., góp phần phát triển bền vững môi trường vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai...

Nguồn: monre.gov.vn