Xã hội phát triển khiến nhận thức của con người đối với giá trị của nguồn nước dần hoàn thiện. Nước không còn nằm ở phạm trù duy trì sự sống, không còn chảy tự do ngoài thiên nhiên, mà càng phát triển thì người ta càng tìm cách khai thác triệt để những giá trị khác mà nước có thể mang lại. Nước thể hiện giá trị của nó trong nhiều lĩnh vực trong đó có du lịch.
Ngành Du lịch cần nước như thế nào?
Khảo sát về tình hình sử dụng nguồn nước của khách sạn Caravelle là khách sạn đẳng cấp 5 sao tọa lạc tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh cho thấy, lượng nước cấp tiêu thụ trung bình của khách sạn này là 350m3/ngày và sử dụng nước thủy cục, trong đó nước dùng cho các phòng khách là 200m3/ngày; nước cho các nhà hàng căn tin là 135m3/ngày; và nước dùng cho nhân viên khách sạn là 15m3/ngày.
Từ những con số về việc sử dụng nước của khách sạn Caravelle có thể thấy Du lịch cần nguồn nước đủ để duy trì và phát triển ở hầu hết các hoạt động của nó, từ những cái sẵn có trong tự nhiên như: thác nước, sông suối, hang động... phục vụ khách ngắm cảnh đến các lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn...phục vụ khách ăn ngon, nghỉ dưỡng thoải mái nhất. Nếu thiếu nước Du lịch sẽ “chết”.
Ngày nay, khi Du lịch phát triển và thậm chí dần hình thành thói quen cho một bộ phận người, “đến mùa phải đi du lịch” thì vấn đề đi du lịch như thế nào ngày càng được quan tâm. Và người đi du lịch ngày nay đang có xu hướng tiếp cận gần hơn với thiên nhiên sông núi. Vì vậy, đất nước có thiên nhiên phong phú, đa dạng là đất nước có khả năng tiềm ẩn về một nền du lịch lớn mạnh.
Cũng như các quốc gia có nền Du lịch phát triển mạnh trên thế giới, Du lịch Việt Nam cũng biết cách nắm bắt ưu thế của mình là khai thác những giá trị có sẵn, những kỳ quan về tự nhiên, đất nước, con người và ta tự hào là đất nước ta có khả năng phát triển mạnh về Du lịch nhờ lợi thế sẵn có từ thiên nhiên. Du lịch Việt Nam đang phát triển đúng hướng và thiên nhiên tươi đẹp là thế mạnh, không thể tách rời với sự phát triển của Du lịch Việt Nam, những thắng cảnh đã trở thành biểu tượng, điểm nhấn thu hút hàng triệu lượt khách du lịch nước ngoài mỗi năm như: dòng sông Hương thơ mộng ở Huế, thác Tình yêu ở Sa Pa, hang Sơn Đoòng ở Quảng Bình... đã minh chứng cho điều đó. Việc cần làm của Du lịch Việt Nam là làm sao để vừa có thể khai thác, nhưng đồng thời phải gắn liền với tôn tạo, bảo vệ các thắng cảnh đẹp về sông núi của Du lịch.
Thực trạng những thác nước khô kiệt
Nhà hàng, khách sạn hay các hoạt động dịch vụ hiện tại đều có nguy cơ thiếu nguồn nước để phát triển trong tương lai. Vì nhiều lý do, nước ta bị Hiệp hội Tài nguyên nước quốc tế (IWRA) liệt vào nhóm quốc gia thiếu nước với ngưỡng dưới 4000 m3/năm khi nhu cầu nước đến năm 2020 của Việt Nam sẽ là 80 tỉ m3/năm, năm 2030 sẽ là 87-90 tỉ m3/năm. Khối lượng này bằng khoảng 11% tổng tài nguyên nước, hoặc 29% tài nguyên nước nội địa. Đây là một thực trạng đáng báo động và nếu không quản lý tốt nguồn tài nguyên này thì chỉ trong tương lai gần, nước ta sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm nước.
Thế mạnh của Du lịch Việt Nam là cảnh quan nhiên nhiên vùng nhiệt đới với núi non hùng vĩ, sông suối thơ mộng, những thác nước nên thơ... Thế nhưng hiện tượng những dòng thác, hay những cảnh quan thiên nhiên đã từng đem lại nguồn lợi lớn cho sự phát triển của ngành Du lịch bị biến mất không còn là điều hiếm lạ nữa. Bây giờ người ta có thể liệt kê ra những cảnh quan thuộc về Du lịch không còn tồn tại chỉ vì khai thác mà không biết tôn tạo, bảo vệ.
Thác Liên Khương hay thác Liên Khang, có tên cũ là Liên Khàng ( huyện Đức Trọng, Lâm Đồng). Thác nằm ngay cạnh quốc lộ 20 từ TP. HCM lên Đà Lạt, cách Đà Lạt chừng 27km, cách sân bay Liên Khương khoảng 1km. Tuy được xếp hạng di tích quốc gia nhưng hiện nay, do không được quan tâm bảo trì đúng mức, thác Liên Khương đã cạn nước nên đã đóng cửa khai thác, không tổ chức phục vụ khách tham quan. Cuối năm 2008, Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng đã gửi văn thư đề nghị UBND cho phép tham mưu để Bộ VHTTDL thu hồi giấy phép xếp hạng.
Thác Dray K’nao nằm trên địa phận xã Krông Jing, huyện M’Drak (Đắk Lắk) là một trong những điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của tỉnh Đắk Lắk. Năm 2012 diểm du lịch này đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Thế nhưng hiện nay, thác Dray K’nao như bị đã bỏ mặc, cảnh quan môi trường đang bị tàn phá nặng nề.
Thác Đray H’linh là một trong những thác nước đẹp và hùng vĩ nhất của sông Serepôk thuộc địa phận Đắk Lắk. Tuy nhiên, thác lại được ít người biết đến vì nơi đây đã bị chặn dòng để xây dựng nhà máy thủy điện Đray H’linh 1 từ những năm 90 của thế kỷ 20. Do dòng chảy đã bị thay đổi nên hầu hết thời gian mùa khô nước chảy qua thác rất ít và khu vực thác nằm trong vòng bảo vệ nghiêm ngặt của nhà máy thủy điện Đray H’linh 1.
Hay gần đây là hiện trạng thác Bảy Nhánh của Khu Du lịch Bản Đôn – Đắk Lắk chỉ còn nhánh số 7 có nước là ví dụ rõ ràng nhất chỉ ra hậu quả của việc xây dựng các dự án thủy điện tràn lan mà không tính đến tác động trở lại của môi trường. Công ty CP Thủy điện Buôn Đôn (chủ đầu tư Thủy điện Srêpốk 4A) đã đề xuất xây đập tràn ở nhánh số 7 để dâng mực nước chảy qua 6 nhánh còn lại của thác Bảy Nhánh. Nhưng kể cả khi thủy điện này xả gấp đôi mực nước đã cam kết, đoạn sông Srêpốk phía sau cống phay xả nước vẫn bị khô cạn làm ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến thác Du lịch Bảy Nhánh và cuộc sống người dân trong vùng.
Tầm quan trọng của nguồn nước đối với thiên nhiên và môi trường phát triển Du lịch vẫn chưa được cộng đồng quan tâm một cách đúng mực. Nghĩa là, trong nhận thức của mỗi người, Du lịch chưa nhận được sự quan tâm đúng nghĩa như các ngành kinh tế khác. Khi người ta nhắc đến môi trường nước thì điều đầu tiên nghĩ đến là môi trường kênh rạch bị ô nhiễm, chất thải công nghiệp, nước cho nông nghiệp, cho thủy sản... chứ ít ai nghĩ đến nước cho Du lịch.