Về với "địa đàng xanh"

Cập nhật: 25/04/2014
Theo tiếng gọi của những cung đường, những cánh rừng xanh thẳm của miền Tây xứ Nghệ, chúng tôi có chuyến hành trình thú vị… Bây giờ, miền Tây đang vào giữa mùa khô, dần mơ màng màn sương hong nắng dịu dàng, làm hồng thêm những đôi má cô gái Thái vui trẩy hội…

Trưởng nhóm “phượt” của chúng tôi lần này là Nguyễn Cường, một cán bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT, chuyên về lĩnh vực hải sản. Quanh năm suốt tháng bám việc ở miền biển, vậy nên cứ rảnh được ngày nghỉ nào là Cường tìm đến vùng rừng núi. Vườn Quốc gia Pù Mát – điểm đến lần này, Cường đã đến đôi lần, giờ đi là đóng vai trò “hướng đạo”. Cường còn rành rẽ rằng Pù Mát theo tiếng Thái có nghĩa là “núi cao”; vườn lấy tên theo đỉnh núi cao nhất vùng (1.841m). Vườn Quốc gia Pù Mát nổi tiếng trong và ngoài nước với việc phát hiện ra loại thú đặc hữu  con sao la và nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ thế giới… Không tham vọng được nhìn thấy một vài loài động thực vật đặc hữu của vườn, hay chinh phục đỉnh Pù Mát, chúng tôi chỉ mong thưởng thức những cảnh đẹp, tìm hiểu cuộc sống con người nơi khu dữ trữ sinh quyển của thế giới này. 

 

 

Du khách tham quan VQG Pù Mát. Ảnh: Sỹ Minh

 

Và đây vùng Cao Vều – huyện Anh Sơn, thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Pù Mát. Đất Cao Vều mới chỉ được khai phá trong khoảng trên dưới 20 năm trở lại. Bà con người Thái di cư từ nơi khác tới Cao Vều cho hay: Những lúc động rừng, voi vẫn thường về đây, có những đêm mưa từ núi xa vẫn vọng lại tiếng hổ gầm… Pù Mát chính là nơi sinh tồn lâu đời của người Thái. Nơi ven đồi, ven sông, ven suối, họ dựng nhà sàn, trồng lúa nước, trồng màu, làm rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sống quần tụ với nhau thành các bản. Rừng Pù Mát thâm u, hoang sơ lắm, nhiều nơi chưa hề có dấu chân người. Không thể xuyên rừng, Cường  dẫn chúng tôi theo Quốc lộ 7 lên đến huyện Con Cuông, từ ngã ba Khe Diêm rẽ vào Lục Dạ, Môn Sơn (những cái tên như gọi về các truyền thuyết).

 

Thắng cảnh đầu tiên mà chúng tôi gặp là suối Mọc, ở bản Nứa – dòng nước ngầm xuyên qua các dãy núi đá vôi - rồi đột ngột hiện lên mặt đất. Nước suối Mọc trong ngần mát rượi giữa mùa hè thiêu đốt. Ở những bản làng người Thái của hai xã Môn Sơn, Lục Dạ lâu nay đã phối hợp với các công ty mở tour du lịch cộng đồng. Du khách có thể đến đây tìm hiểu cuộc sống cư dân bản địa bằng việc ăn, ngủ tại nhà, xem cách thức chế biến món ăn truyền thống hay nghề dệt thổ cẩm cổ truyền. “Thổ cẩm ở Môn Sơn đẹp từ chất liệu, màu sắc sặc sỡ và họa tiết độc đáo. Vì làm hoàn toàn bằng phương thức thủ công nên để dệt được một chiếc khăn thổ cẩm mất ít nhất 1 ngày, túi xách thì 2 ngày, dệt được bộ váy phải mất 10 ngày” -  Hà Thị Hồng, cô gái ở bản Xiềng đã giới thiệu như vậy. 

 

 

Sao la ở VQG Pù Mát

 

Thăm Trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, vườn thực vật, vườn ươm, đình Làng Âu ở khu hành chính văn phòng của Vườn. Chúng tôi được ông Nguyễn Thanh Nhàn, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết: Vườn Quốc gia Pù Mát hiện được xác định là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận năm 2007. Vườn Quốc gia Pù Mát có nhiều thuận lợi trong việc phát triển du lịch. Hiện cán bộ Vườn nói riêng và người dân Nghệ An nói chung đang ra sức bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, quản lý bảo vệ rừng, giữ tính đa dạng vốn là tài nguyên du lịch… Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang kêu gọi đầu tư tập trung vào những dự án du lịch sinh thái trọng điểm, trong đó có Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Pù Mát. Được biết, trong tháng 2 vừa qua, tỉnh đã có buổi làm việc với Công ty du lịch Vietravel để tính đến việc xây dựng các sản phẩm du lịch. Chắc chắn rằng sản phẩm trong sản phẩm “Hành trình về với quê hương vĩ nhân" thì Pù Mát là điểm đến được ưa chuộng.

 

Tôi vẫn thích gọi Pù Mát là “địa đàng xanh”, không chỉ nơi đây có tính đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam, mà luôn xanh mãi lời hẹn của bao du khách rằng “đỉnh Phan xi phăng nóc nhà Đông Dương đã bao người chinh phục; đỉnh Pù Mát nguyên sinh xứ Nghệ dẫu thấp hơn nhưng vẫn chưa thể có ai lên. Tôi cũng vậy, tự nhủ rằng, chuyến đi này chưa thể khuất phục được núi cao nơi “địa đàng xanh” miền Tây xứ sở, nhưng rồi tôi sẽ trở lại!.

Nguồn: Baonghean