Làng du lịch sinh thái Hồng Vân

Cập nhật: 29/04/2014
Một thời, ở xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) nhà nhà trồng cây cảnh. Thế nhưng, gặp khi kinh tế khó khăn, những "đại gia" là bạn hàng truyền thống tìm đến làng cây cảnh ngày một ít, Hồng Vân có tiếng một thời trở nên đìu hiu, vắng vẻ.

Nhưng trong "cái khó" đã "ló cái khôn", những nông dân vốn chăm chỉ, cần cù và năng động đã nhanh chóng chuyển từ bán cây cao cấp sang trồng những cây nhỏ hơn, giá chỉ vài chục đến vài trăm nghìn đồng mà vẫn lãi.

 

 

Đến Hồng Vân, chúng tôi ngạc nhiên khi bắt gặp một đoàn vài chục ô tô khách nối đuôi nhau đỗ dọc trên đường vào thôn Xâm Xuyên. Hỏi ra mới biết, đó là xe chở học sinh ở các trường nội thành dã ngoại, thăm khu nông trại giáo dục Làng quê Việt của anh Phạm Văn Quỳnh, một nông dân trên địa bàn xã. Theo chân các em học sinh đến khu nông trại Làng quê Việt, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước mô hình làm kinh tế thú vị của anh nông dân vốn có hàng chục năm gắn bó với nghề trồng, bán cây cảnh. Nông trại có quy mô 7ha được phân thành các khu vườn cây, ao cá, đồng ruộng hợp lý. Anh Quỳnh cho biết, từ năm 2010, kinh tế khó khăn, cây cảnh tiêu thụ chậm, anh đã đi học tập kinh nghiệm để xây dựng mô hình này. Hiện khu nông trại giáo dục có 10 chương trình vui chơi cho các em nhỏ gồm trồng cây, bắt cá, cấy lúa, thăm đồng, chăm sóc vật nuôi… Bắt đầu đón khách từ cuối năm 2012 đến nay, mỗi năm nông trại đón từ 8 đến 10 vạn khách, chủ yếu là các em học sinh đi dã ngoại để trải nghiệm thực tế về đời sống ở làng quê.


Đi một vòng quanh xã Hồng Vân, vẫn là những vườn cây cảnh bề thế nhưng những con đường, ngõ xóm ở các thôn Xâm Xuyên, Cơ Giáo sạch và đẹp hơn trước rất nhiều. Người dân trong xã giờ chuyển sang… làm du lịch. Mỗi ngày có đến 20-30 ô tô chở du khách về xã tham quan.


Sự chuyển biến trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong nếp nghĩ, cách làm ở Hồng Vân, ngoài sự năng động của người dân còn khởi nguồn từ định hướng phát triển xã thành làng nghề du lịch sinh thái. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hải Đăng, sau thành công dồn điền, đổi thửa, xã đã thành lập 3 HTX dịch vụ chuyên hỗ trợ các hộ xã viên làm cây cảnh; đặc biệt là tạo điều kiện cho mô hình "nông trại giáo dục" của anh Quỳnh được triển khai, từ đó giúp các hộ xã viên có thêm hướng phát triển kinh tế mới. Bên cạnh đó, xã tiến hành quy hoạch vùng hoa, cây cảnh với tổng diện tích hơn 77ha. Hiện cả xã Hồng Vân có 120ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó đã chuyển được 40ha sang trồng hoa, cây cảnh. Năm 2013, xã đã thành lập Ban chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Trong đó, có tiểu ban sưu tầm cây cảnh trồng trên các trục đường lớn, đáp ứng các tiêu chí hoa mới, lạ, mỗi mùa một loài hoa nở; 1 tiểu ban thị trường chuyên khảo sát, nắm bắt tâm lý và nhu cầu thị trường để vận động người dân trồng cây phù hợp. Từ những khó khăn ban đầu, người dân trong xã đã chuyển từ làm cây cao cấp sang các cây cảnh bình dân, phù hợp với thị hiếu của người dân. 


Hiện thu nhập bình quân đầu người ở Hồng Vân đã đạt 23 triệu đồng/người/năm. Kinh tế ổn định, người dân có điều kiện đã tham gia góp tiền, góp ngày công cùng Nhà nước bê tông hóa 100% các tuyến đường ngõ xóm. Đến nay, 7 tuyến đường lớn trong xã được trồng loại hoa đặc trưng như: Ban, hoàng yến, phượng đỏ, phượng tím, phượng vàng, hoa sữa. Ở khu vực nông thôn, làm được như Hồng Vân cũng là chuyện hiếm thấy.

Nguồn: hanoimoi.com.vn