Những đặc trưng văn hóa bản địa của 20 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh đã và đang trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch trong thời gian qua.
Trong số những đặc trưng ấy, nét đầu tiên thu hút khách du lịch là văn hóa chợ phiên đã hình thành từ rất lâu ở các khu vực: thành phố Lai Châu có chợ phiên San Thàng họp vào thứ 5 và chủ nhật hàng tuần; huyện Phong Thổ có chợ phiên Dào San là nơi giao lưu buôn bán của đồng bào các dân tộc 8 xã biên giới thường họp vào ngày chủ nhật… Có người đến chợ để tham gia buôn bán nhưng cũng có người đến chợ chỉ để được ăn bát thắng cố, uống bát rượu ngô; gặp gỡ sẻ chia cách làm khèn, thổi sáo và cả những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống.
Cùng với sự đa dạng phong phú của các mặt hàng như: quần áo, hàng thổ cẩm, thịt nướng, thịt hun khói, các loại rau, củ, quả và sản vật từ rừng thì trang phục truyền thống, với những bộ váy xúng xính đẹp đến mê hồn của cô gái Mông hòa trong sắc đỏ tươi của những cô gái Dao, màu đen hạt huyền trong nụ cười tươi rói của những cô gái Lự, hay những chiếc áo cóm ôm sát vòng eo của những cô gái Thái… đã tạo nên một bức tranh muôn màu, sống động trong tiếng cười rộn rã, làm xua đi những giọt sương mai của từng đoàn người khi xuống chợ.
Khác với sự nhộn nhịp hối hả của những buổi chợ phiên, những bản làng của người Mông, Dao, Thái, Lự… lại đưa đến cho du khách một cảm giác bình yên, thân thiện với vẻ đẹp hoang sơ khi nằm nép mình bên suối hoặc những sườn núi cao dưới tán rừng già hàng trăm năm tuổi. Đến với gia đình của đồng bào các dân tộc Lai Châu thì việc đầu tiên không thể thiếu là những cái bắt tay thật chặt, những ly nước ngào ngạt hương thơm được lấy từ lá rừng, và sau đó là những món ẩm thực với nhiều hương vị khác nhau.
Nếu như người Thái có món xôi 7 màu được nhuộm bằng lá rừng với phương pháp đồ xôi bằng chõ độc đáo; món cá nướng, cá bống vùi gio hay món rêu đá sẽ cho du khách cảm giác không thể quên. Thì người Hà Nhì ở Mường Tè lại có món thịt trâu, thịt bò được tẩm ướp các loại gia vị và sấy trên gác bếp sau đó ủ tro nướng, xé thớ uống với rượu ngô. Người Cống có món vịt nấu măng chua để dùng tiếp khách quý khi đến nhà, người Dao có món canh gà nấu gừng, hay ở các bản dân tộc Mông, du khách mới được thưởng thức món thịt lợn ba chỉ xông khói với vị bùi khó quên.
Dân tộc Lự ở xã Bản Hon (huyện Tam Đường), Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ) hiện vẫn còn lưu giữ nghề quay tơ, dệt vải, nhuộm chàm và may trang phục cho các thành viên trong gia đình. Hay như người Dao đầu bằng ở xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường) lại có nghề làm mũ đầu bằng và thêu may các loại túi vải để bán cho khách du lịch. Bên cạnh đó còn có một số làng nghề chuyên sản xuất ghế mây; Hợp tác xã dệt thổ cẩm xã Mường Cang (huyện Than Uyên), nghề làm bánh ở bản San Thàng 1, xã San Thàng (thành phố Lai Châu)… người dân luôn tranh thủ lúc nông nhàn để làm các sản phẩm. Thông thường người Mông làm xong một chiếc váy mất đến cả năm, trong đó việc vẽ sáp ong với những hoa văn hoạ tiết trên váy đã mất đến vài tháng. Người Dao làm xong một chiếc mũ đầu bằng thường mất từ 2 - 3 tháng; người Lự, người Thái để có được tấm vải thổ cẩm như ý thường mất 4 - 5 tháng… Có lẽ do mất nhiều thời gian, công sức cũng như những kỹ thuật điêu luyện của từng nghệ nhân nên luôn làm hài lòng du khách.
Để thư giãn nghỉ ngơi du khách có thể lên với cao nguyên huyện Sìn Hồ để ngâm mình trong thùng lá thuốc của người Dao, kết hợp với bấm huyệt xoa bópxu a đi những mệt nhọc sau một ngày khám phá vẻ đẹp của miền dất con người nơi đây. Vào nhưng đêm trăng sáng ở các bản người Lự, người Hà Nhì, người Mông du khách còn có cơ hội được thưởng thức những bài hát giao duyên tỏ tình, những bài khèn lá, sáo mẹ sáo con. Đặc biệt là những buổi giao lưu với đội văn nghệ tại các bản với những bài khèn, thổi sáo, múa quạt, múa khăn… Vòng xoè bên ngọn lửa bập bùng, những chén rượu ngô nếp nương được ủ từ men lá rừng như muốn níu giữ chân du khách lại những bản làng vùng cao.
Chính những đặc trưng văn hóa bản địa mộc mạc, giản dị ấy đã thu hút khách du lịch đến với Lai Châu để trải nghiệm, khám phá./.