Tại Phiên họp thứ hai Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) đang tổ chức tại Quảng Châu, Trung Quốc với sự tham gia của 54 đại biểu đến từ 17 quốc gia, hồ sơ Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam đã chính thức được công nhận là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO năm 2014.
Với việc hồ sơ Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận, Việt Nam hiện đã có 4 Di sản Tư liệu thế giới (Ảnh: Internet)
Với các giá trị nổi bật về mặt nội dung, hình thức và phong cách, hồ sơ Châu bản triều Nguyễn đã thuyết phục được Ban Tư vấn cũng như dành được đa số phiếu bầu của các nước thành viên tham dự hội nghị để lọt vào danh sách 16/21 hồ sơ đề cử được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Các chuyên gia của Tiểu ban đăng ký của MOWCAP đã đánh giá cao tính xác thực, độc đáo, duy nhất, giá trị nội dung và tầm ảnh hưởng của Châu bản triều Nguyễn đối với khu vực cũng như quốc tế.
Kho tàng Châu bản triều Nguyễn hiện được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, là một trong những khối tài liệu lưu trữ đặc biệt quý hiếm. Đó là tài liệu hành chính duy nhất còn lại của Vương triều phong kiến trong lịch sử Việt Nam.
Châu bản triều Nguyễn là các văn bản hành chính do các cơ quan chính quyền triều Nguyễn từ trung ương đến địa phương soạn thảo, dâng tấu lên nhà vua, và qua đó, nhà vua “ngự lãm”, hay “ngự phê” bằng mực màu son để truyền đạt ý chỉ.
Các chuyên gia sử học hàng đầu nước ta cho rằng Châu bản triều Nguyễn là loại di sản có tính độc đáo và xác thực cao. Đây là một loại tài liệu đặc biệt quan trọng vì nó mang bút tích của nhà vua, được bảo quản trong các kho lưu trữ của cung đình, nội dung liên quan đến hầu hết các hoạt động triều chính. Châu bản là nguồn tư liệu vô cùng quý giá để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa cũng như toàn bộ hoạt động của triều đình và đời sống xã hội thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20.
Trong số các châu bản triều Nguyễn được lưu trữ có nhiều châu bản có nội dung liên quan đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây không chỉ là bằng chứng hùng hồn về chủ quyền biển đảo quê hương mà còn ghi đậm dấu ấn chính sách của triều Nguyễn về vấn đề chủ quyền biển đảo.
Hiện Việt Nam có 4 Di sản Tư liệu thế giới. Trước đó, Việt nam đã có ba di sản được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới: Mộc bản triều Nguyễn, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và 82 Văn bia tại Văn Miếu Quốc Tử Giám./.
Hồng Hà