Công tác bảo tồn sinh học tại Cù Lao Chàm tiến bộ đáng kể

Cập nhật: 26/05/2014
Ngày 23/5, tại Cù Lao Chàm, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, phối hợp với các ban, ngành chức năng tổ chức Hội thảo “Chặng đường phát triển 10 năm Khu bảo tồn biển và 5 năm Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, Hội An.”

Xã Tân Hiệp trên đào Cù Lao Chàm. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)


Tham dự hội thảo còn có đại diện các Ban quản lý khu bảo tồn trên toàn quốc, các nhà nghiên cứu, quản lý trong lĩnh vực môi trường, sinh thái.

Các đại biểu đã tập trung làm rõ những nội dung quan trọng về công tác bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học, đặc biệt là tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia “Chương trình Con người và sinh quyển” Việt Nam cho biết các khu dự trữ sinh quyển thường có diện tích lớn bao trùm lên các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ...

Như vậy, trong một khu dự trữ sinh quyển sẽ có rất nhiều văn bản pháp quy của cả quốc gia, quốc tế và địa phương. Điều này cho thấy, việc quản lý các khu dự trữ sinh quyển thực chất là điều phối và tận dụng tối đa các văn bản, nguồn nhân lực và tài chính hiện có tại địa phương.

Cách tiếp cận quản lý khu dự trữ sinh quyển là “đồng quản lý” với sự tham gia của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Nếu hệ thống các vườn quốc gia, khu bảo tồn... được quản lý theo ngành thì khu dự trữ sinh quyển lại nhấn mạnh hiệu quả quản lý của cấp tỉnh.

Đây là cấp điều phối cao nhất trong các mô hình thành công của các khu dự trữ sinh quyển trên thế giới và ở Việt Nam.

Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào ngày 26/5/2009. Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm có tổng diện tích 33.146ha, dân số khoảng 84.000 người, được phân chia thành ba vùng chức năng gồm vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp.

Qua khảo sát đã phát hiện hơn 311ha rạn san hô, với khoảng 300 loài; có 50ha thảm cỏ biển, với 5 loài đặc trưng; 76 loài rong biển; hơn 270 loài cá; 97 loài thân mềm; 11 loài động vật da gai... Tại khu rừng đặc dụng Cà Lao Chàm có 499 loài thuộc 352 chi, 115 họ của 5/6 ngành thực vật bậc cao...

Những năm qua, chính quyền cũng như nhân dân thành phố Hội An đã đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn đa dạng sinh thái và phát triển kinh tế du lịch.

Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An cho biết vốn là thành phố du lịch, lượng khách đến Hội An khá đông nên việc bảo tồn đa dạng sinh học là rất khó khăn.

Tuy nhiên, nhờ nỗ lực tuyên truyền, giải thích và nhất là sự đồng thuận của người dân nên đến nay, bước đầu công tác bảo tồn và phát huy đa dạng sinh học đã có bước tiến đáng kể.

Thời gian tới, thành phố Hội An tiếp tục giải thích cho người dân, các doanh nghiệp lữ hành hiểu rằng bảo vệ môi trường đa dạng sinh học của Cù Lao Chàm tức là bảo vệ “nguồn sống” của chính người dân Cù Lao Chàm và các đơn vị lữ hành./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+