Nhiều ý kiến tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2014 do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 6.6 tại Hà Nội đều cho rằng, đừng chỉ chăm chăm tìm cách bài trừ phản cảm mà quan trọng hơn là tìm được giải pháp quản lý phù hợp. Tiền lẻ tràn lan, đốt vàng mã, đồ mã vô tội vạ... suy cho cùng cũng là biểu hiện của một trạng thái xã hội mà thôi!
“Hạ nhiệt” tại nhiều điểm nóng
Không còn tạo những điểm nóng khiến dư luận bức xúc như nhiều mùa trước, năm nay bức tranh lễ hội đã “quang quẻ” hơn. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái nhận định, các điểm nóng lễ hội đã “hạ nhiệt”. So với các mùa trước, lượng du khách đến lễ hội đông hơn, nhưng lại nề nếp hơn.
Đáng chú ý, đối với việc thực hiện nhiệm vụ đột phá mùa lễ hội 2014 là sử dụng hợp lý, đúng mục đích các loại tiền mệnh giá nhỏ, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Vương Duy Bảo cho hay, BTC lễ hội, BQL các di tích đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân và du khách về nội dung này.
Một chuyển biến rõ nét là không còn phổ biến dịch vụ đổi tiền lẻ tại lễ hội như nhiều năm trước. Việc thu gom tiền lễ, tiền công đức kịp thời đã góp phần đảm bảo tính tôn nghiêm nơi thờ tự. Hiện tượng cài, đặt tiền trên tay tượng, Phật, rải tiền xuống giếng... giảm đi trông thấy. Quản lý tiền công đức, tiền giọt dầu từng bước được đảm bảo chặt chẽ và công khai, minh bạch hơn.
Nhiều hạn chế cũng đã được thẳng thắn nhìn nhận: Việc thực hiện nếp sống văn minh, nạn chèo kéo du khách, mê tín dị đoan... vẫn diễn ra. Dịch vụ đổi tiền lẻ, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ ở một số lễ hội vẫn là nguyên nhân gây phản cảm. Ở các lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Chùa Hương (HN), Đền Bảo Hà (Lào Cai)... vẫn diễn ra hiện tượng gài tiền vào tay tượng, Phật, ném, thả tiền xuống giếng, lấy tiền miết vào Phật, tượng, đồ thờ tự...
Trong số những hình ảnh không đẹp, có cả những hiện tượng tồn tại như một phần tất yếu. Phó Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ Phạm Bá Khiêm chia sẻ, ông bà ta từ xưa vẫn nói “tả tơi xem hội”, vậy mà báo chí bây giờ cứ đưa những hình ảnh đông đúc, chen lấn tại lễ hội như một điển hình của tiêu cực. “Nếu thế thì “oan” cho lễ hội quá!”. Như lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, cao điểm chỉ trong vài ngày, hàng triệu người từ khắp nơi đổ về. Quá tải nên chen lấn, đông đúc là đương nhiên. Hết hội lại vắng vẻ, thanh bình. “Đó là một thực tế cần nhìn nhận khách quan!”, ông Khiêm nói.
Loay hoay với đồ mã, tiền lẻ tràn lan
Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) được lấy làm ví dụ điển hình cho cả hai “vấn nạn” về tiền lẻ và đồ mã. Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Phạm Xuân Phúc gay gắt, vài năm trước đến Bà Chúa Kho, tiền lẻ ngập đến vài mét, khu vực Hậu cung nhiều khi còn không đẩy nổi cửa vì... “tắc” tiền lẻ. Đốt đồ mã tại ngôi đền này cũng ở mức điển hình. Dọc đường vào đền chính là những quầy hàng đồ mã, vàng mã tràn ngập.
Nhưng đó cũng không phải là chuyện của riêng Bà Chúa Kho. Nhiều điểm di tích, lễ hội lớn khác cũng được liệt kê: Đền Kiếp Bạc (Hải Dương), Phủ Dày (Nam Định), Đền Trình- Chùa Hương (HN), Phủ Tây Hồ, Đền Đức Thánh Cả (HN)... Nhiều ý kiến cho rằng, giải quyết dứt điểm những hiện tượng này không thể một sớm một chiều.
Ông Khúc Mạnh Kiên, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Nam Định cho biết, tại Đền Trần trước mùa lễ hội 2014, BQL di tích, BTC lễ hội đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân, du khách không đổi và sử dụng tràn lan tiền lẻ. Tuy nhiên do người dân từ sớm đã chuẩn bị một lượng lớn tiền lẻ để kinh doanh nên từ việc đổi công khai, họ chuyển sang lén lút. “Cứ khi có thanh tra xuất hiện thì những người này lại... “rút”. Đây là một vấn đề sẽ được Nam Định quan tâm tìm giải pháp cho mùa lễ hội tới”.
Nói về giải pháp hạn chế đốt đồ mã, vàng mã tại các di tích, lễ hội, PGS.TS Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia VN nhấn mạnh, đừng chỉ chăm chăm tìm cách bài trừ mà cơ bản nhất là tìm giải pháp quản lý phù hợp. Ông Quang thẳng thắn thừa nhận, bắt tay vào làm mới thấy thực sự quá khó. Đốt đồ mã, vàng mã là một phần trong nghi thức truyền thống của người Việt, thể hiện sự thành kính tin tưởng, như một cách thức giao lưu của con người với thế giới siêu nhiên.
Vì thế không thể nói “cấm” hay “bỏ” mà phải làm sao để hạn chế sự bùng nổ thái quá, những biểu hiện sai lệch về ý nghĩa văn hóa, tâm linh. “Việc đốt vàng mã bây giờ chịu nhiều “sức ép” của đời sống hiện đại. Nhà lầu, xe hơi, điện thoại, máy tính và cả ô sin cũng là đồ mã... Đó là những vấn đề mà cơ quan quản lý cần quan tâm”, ông Lương Hồng Quang nói.
Giải quyết câu chuyện về những mâm đồ mã “hàng khủng”, kèm theo vô khối những nguyện cầu, mong ước, theo ông Lương Hồng Quang, cần phải có sự chủ động của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương. Sự tham gia của các sư trụ trì, chủ các cơ sở tín ngưỡng thờ tự cũng quan trọng không kém. “Các BQL di tích, BTC lễ hội cần chủ động hơn trong tuyên truyền, hướng dẫn người dân và bố trí các vị trí cụ thể để họ thực hành nghi lễ. Cần làm cho người dân hiểu đầy đủ nhất ý nghĩa của việc đốt đồ mã, tránh để ngày càng xuất hiện nhiều niềm tin cố hữu rằng “đốt” càng nhiều thì lộc càng lớn...”, ông Quang nhấn mạnh.
Tiền lẻ và dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn diễn ra ở Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)-2014
Xã hội thế nào, lễ hội như thế!
“Xã hội bất an thì người ta tìm đến lễ hội cầu an. Sắp tới “mùa” thay quan chức thì người ta cầu thăng quan tiến chức. Tới mùa thi thì cầu thi cử đỗ đạt... Tóm lại là xã hội thế nào thì lễ hội như thế. Vấn đề là phải quản lý thế nào để hạn chế tiêu cực?”, TS. Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai nói.
Ông cho rằng, quản lý lễ hội còn loay hoay là bởi còn thiếu những văn bản quy phạm pháp luật, hoặc có nhưng chỉ ở mức... chung chung. “Có quy định cấm đốt đồ mã nơi công cộng nhưng lại không có quy định cấm sản xuất, vận chuyển hay cấm đưa đồ mã vào nơi thờ tự..., hệ quả là loay hoay nhiều năm vẫn gần như “bó tay” với hiện tượng đốt quá nhiều đồ mã. Tín ngưỡng của dân thì cần tôn trọng. Tuy nhiên không thể thái quá đến mức “trần sao âm vậy”, đốt ầm ầm hàng tấn đồ mã thành tro. Cái này cũng tùy thuộc vào sự quyết liệt của BQL các di tích, BTC lễ hội nữa, nếu không gắt gao thì nhiều nơi người ta đốt “ác” lắm...”, ông Sơn chia sẻ.
Ở góc độ khác, Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Phạm Xuân Phúc nêu, cần phải nhìn vào thực chất của các hiện tượng. Đồ mã sắp hàng trong các đền, phủ, toàn “hàng khủng”... là của ai dâng cúng? Những lò hóa vàng khói bốc cao ngùn ngụt, những mâm lễ lớn cầu tài cầu lộc, hoành tráng ngút ngàn... xuất phát từ đâu? “Người dân chắc chắn chẳng có tiền nhiều mà làm như thế.
Vậy thì phải điều tra xem những mâm đồ lễ, đồ mã, vàng mã... ngồn ngộn như thế là của ai? Tôi đề nghị báo chí vào cuộc. Ngay cả những món đồ thờ tự cúng tiến như tượng đá, sư tử đá, lộc bình..., chưa nói có phù hợp hay không, nhưng chắc chắn phải tốn rất nhiều tiền mới mua được?”, ông Phúc đặt dấu hỏi.
Rõ ràng, những kiểu lễ lạt, cầu cúng như vậy đã khiến nhiều di tích, lễ hội truyền thống bị biến dạng. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, mỗi hiện tượng đều cần có cái nhìn xác đáng để có giải pháp quản lý phù hợp, đặc biệt đối với những nảy sinh mới từ cuộc sống đương đại. Những hạn chế còn tồn tại cần được xem là xuất phát điểm để ngay từ bây giờ, các địa phương sớm “lên dây cót” chuẩn bị cho mùa lễ hội 2015.
Để hạn chế những tiêu cực, Thứ trưởng nhấn mạnh những giải pháp lớn như: sự chủ động và quyết liệt vào cuộc của chính quyền các địa phương; tăng cường hiệu quả công tác thanh kiểm tra; công khai, minh bạch nguồn tiền công đức; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học; sớm nghiên cứu ban hành mô hình quản lý di tích; không tùy tiện tiếp nhận và đưa hiện vật lạ vào di tích... Đặc biệt, cần tuyên truyền, nhân rộng những mô hình tốt trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội để các địa phương học tập, rút kinh nghiệm.