Vườn Quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp - Khu Ramsar thứ 2000 của thế giới đang bảo tồn, lưu giữ các loài thực vật bậc cao mang nét đặc trưng điển hình của vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười, góp phần tạo sự cân bằng về sinh thái, phục hồi những sinh vật đang mất dần trong vùng châu thổ Mekong.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết, hiện nay Vườn có thảm thực vật rất phong phú với hơn 130 loài thực vật bậc cao, với 6 kiểu quần xã đặc trưng: Quần xã sen, lúa trời, năng, mồm mốc, cỏ ống và quần xã rừng tràm. Đặc biệt, hiện nay có 8 loại thực vật được Vườn ưu tiên bảo tồn, lưu giữ như cây gáo vàng, cà giâm, sen, lúa ma (lúa trời), năng kim, ráng gạt nai, dây chọi và cỏ bắc, là các loại thực vật được ghi vào Sách đỏ Việt Nam. Môi trường nơi đây rất tốt, mực nước các khu vực trong Vườn được đảm bảo theo chuẩn nên các thảm thực vật cũng được phục hồi và phát triển nhanh trong mùa nước nổi là điều kiện thích hợp để các loài chim về đây quần tụ kiếm ăn sau khi nước rút.
Khi mùa nước lên là thời điểm mà các loài thực vật ở Vườn Quốc gia Tràm Chim đắm mình trong cánh đồng nước bao la, lúa ma (lúa trời) phát triển, bên cạnh có nhiều vùng rộng lớn hàng ngàn ha cỏ năng phát triển theo là nơi tập trung dinh dưỡng từ nguồn phù sa dồi dào tạo nên những củ năng kim no tròn, khi mùa khô là thức ăn khoái khẩu cho loài sếu đầu đỏ. Đa số các loại thực vật quí hiếm đang phát triển rải khắp ở các khu A1, đến A5 của vườn và phát triển ở các vùng trũng, ao, hồ, kênh, mương. Đặc biệt cây lúa trời hiện lưu giữ và bảo tồn hơn 800 ha, được Vườn quốc gia thực hiện chương trình du lịch trải nghiệm thu hoạch lúa trời trên phạm vi khai thác 134 ha. Hầu như tất cả các loài chim trong Tràm Chim đều thích với đồng lúa trời, kể cả sếu đầu đỏ, sinh cảnh này đa dạng sinh học rất cao. Cây lúa trời tồn tại được trên dòng nước dữ, làm thức ăn cho nhiều loài. Nhờ có lúa trời là chuỗi cung cấp thức ăn cho hệ sinh thái ngập nước không bị đứt gãy ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Đối với loại cỏ bắc, cắt về nấu nước uống trị mát gan. Năng kim là loại thức ăn khoái khẩu của sếu đầu đỏ và nhiều loài chim, là nơi làm tổ của nhiều loài chim, loài rắn…Đối với cây gáo vàng, sử dụng vỏ cây gáo vàng phơi khô có tác dụng chữa sơ gan cổ trướng. Cây sen rất quen thuộc với người Việt, mọi thành phần từ sen đều có tác dụng, như: hạt sen (liên nhục) dùng nấu chè, tâm sen (liên tâm) làm thuốc an thần, ướp trà, ngó sen (liên ngẫu) dùng làm gỏi… Và một bộ phận của sen ít người biết có công dụng chữa bệnh, đó là lá sen. Quanh các vùng trũng sâu ở Vườn Quốc gia Tràm Chim đều có cây sen mọc, là nơi trú ngụ của nhiều loài chim, cá.
Vườn Quốc gia Tràm Chim có kế hoạch giám sát bảo tồn từ năm 2014 đến năm 2020 bằng việc giám sát diễn biến các quần xã thực vật đặc trưng của Vườn (bao gồm xây dựng bản đồ phân bố); điều tra, kiểm kê, xây dựng bảng danh lục và tiêu bản các loài thực vật, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm (theo Nghị định 32, Sách đỏ Việt Nam và sách đỏ IUCN); điều tra thành phần các loài thực vật có giá trị dược liệu ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia đề xuất các giải pháp bảo tồn và sử dụng bền vững; quy hoạch đầu tư vườn sưu tập thực vật (khoảng 02 ha); xây dựng phòng bảo quản và trưng bày tiêu bản động, thực vật; sưu tầm các loài thực vật quý, hiếm bản địa và đặc trưng của vùng trồng tại vườn thực vật để bảo tồn nguồn gen. Đồng thời xây dựng đề án nghiên cứu tăng tính bản địa cho khu hệ thực vật dọc theo các bờ kênh, bờ đê bằng các loài cây gỗ bản địa của hệ sinh thái rừng tràm ngập nước Đồng Tháp Mười trước đây; xây dựng dự án bảo tồn lúa trời ở Vườn Quốc gia Tràm Chim. Việc thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước tại vùng này là việc làm rất thiết thực tạo một sự cân bằng về sinh thái, phục hồi những sinh vật đang mất dần trong vùng châu thổ Mekong.