Ngôi nhà của ông Trần Đình Khánh, nguyên là Trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến đầu tiên của tỉnh Yên Bái tại xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, hiện đang xuống cấp nặng, nhiều hạng mục đã bị mối xông.
Đây là một trong bốn điểm di tích nằm trong Cụm di tích lịch sử quốc gia Chiến khu Vần được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cách mạng Quốc gia ngày 4/9/1995.
Ngay sau khi được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, Ủy ban Nhân dân huyện Trấn Yên giao cho Ủy ban Nhân dân xã Việt Hồng quản lý và khai thác 3 điểm, trong đó có di tích nói trên.
Ngày 29/9/2008, Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái có Quyết định về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình, tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Chiến khu Vần, trong đó có di tích nhà ông Trần Đình Khánh với trị giá gần 8 tỷ đồng, sau đó có Quyết định điều chỉnh bổ sung vốn vào năm 2009 lên mức 12,7 tỷ đồng.
Công trình phục dựng nhà ông Trần Đình Khánh do Công ty cổ phần Tu bổ di tích và thiết bị văn hóa Trung ương thực hiện, khởi công từ tháng 9/2009. Con trai ông Trần Đình Khánh là Trần Đình Quát trực tiếp tham gia việc phục dựng di tích theo trí nhớ về ngôi nhà trước đây.
Công trình hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 12/2011 với tổng giá trị trùng tu là 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên việc trùng tu giai đoạn 2 đến nay chưa xác định sẽ tiếp tục vào thời gian nào.
Sau khi hoàn thành việc trùng tu giai đoạn 1, ngôi nhà được giao cho Ủy ban Nhân dân xã Việt Hồng quản lý. Ủy ban Nhân dân xã Việt Hồng đã thuê ông Trần Đình Địch (người dân ở gần đó) với thù lao 200.000 đồng/tháng để trông coi, bảo vệ và quét dọn di tích khi có đoàn khách đến tham quan theo yêu cầu của Ủy ban Nhân dân xã. Vì vậy, di tích chưa phát huy được giá trị lịch sử của nó và có nguy cơ bị hư hỏng theo thời gian.
Thực hiện Quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái về việc Ban hành Quy chế phân cấp quản lý di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn, Ủy ban Nhân dân huyện Trấn Yên đã có Quyết định về việc chuyển giao công tác quản lý và tổ chức hoạt động Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Chiến khu Vần từ Ủy ban Nhân dân xã Việt Hồng sang Trung tâm Văn hóa huyện tiếp nhận, quản lý từ tháng 8/2013.
Lúc này, phần mái của nhà chính bị dột, ván bị bung một số chỗ, hiên nhà bếp xập xệ, phần máng nước giữa nhà chính và nhà bếp bị hỏng, đường dây điện không đảm bảo an toàn cháy nổ và cung cấp ánh sáng, không có đường trục dẫn điện, cổng sắt và hệ thống cấp nước bị hư hỏng, cột và xà nhà nhiều chỗ bị mối, mọt tấn công, không có hồ sơ đất di tích và không có công trình vệ sinh...
Từ khi nhận bàn giao, Trung tâm Văn hóa huyện Trấn Yên không được cấp kinh phí để duy trì hoạt động và khắc phục sửa chữa những hư hỏng. Mỗi năm, Trung tâm đều cố gắng bố trí 10 triệu đồng từ kinh phí chi khác của đơn vị để tu bổ, sửa chữa nhỏ, mặc dù kinh phí hoạt động hàng năm của Trung tâm rất hạn hẹp, chỉ vỏn vẹn có 40 triệu đồng. Thực trạng này dẫn tới tình trạng ngôi nhà đã xuống cấp nay lại càng dễ hư hỏng hơn.
Để phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, giáo dục truyền thống lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái cũng như khơi dậy niềm tự hào của nhân dân các dân tộc vùng chiến khu cách mạng, Trung tâm Văn hóa huyện Trấn Yên đã đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện hỗ trợ kinh phí để sửa chữa cổng, tường rào và kinh phí xây dựng công trình vệ sinh phục vụ các hoạt động của di tích; đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ lập dự án nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật và phục dựng nội thất nhà ông Trần Đình Khánh, nhằm gìn giữ Di tích lịch sử cách mạng quốc gia này.