Họ là một nhóm những doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội, trên cơ sở tự nguyện, đã đặt ra mục tiêu đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, phát triển du lịch có trách nhiệm.
Nhóm những doanh nghiệp lữ hành này vì quan điểm chung muốn phát triển du lịch bền vững của mình đã lần đầu tiên tụ hợp lại vào năm 2009 với tên gọi ban đầu “CLB du lịch có trách nhiệm”. Tuy chưa có ràng buộc, quy chế cụ thể nhưng họ đã tự đặt ra mục tiêu để phấn đấu, trở thành những doanh nghiệp đi tiên phong trong phát triển du lịch có trách nhiệm. Họ bao gồm 15 thành viên chính thức như: Footprint Vietnam Travel, Indochina Travelland, Active Travel Asia, Sisterstours Vietnam… Hầu hết các thành viên là doanh nghiệp đều hoạt động trên lĩnh vực inbound. Ngoài ra còn 7 thành viên hỗ trợ gồm các tổ chức phát triển, cơ sở lưu trú, nhà hàng và cá nhân.
Du khách đạp xe thăm người dân trồng hoa tại Liên Mạc
Bà Nguyễn Thùy Dương, phụ trách truyền thông cho nhóm các doanh nghiệp này chia sẻ: Đây là hình thức sinh hoạt, hợp tác tự nguyện của nhóm doanh nghiệp có cùng quan điểm phát triển du lịch vì mục tiêu bền vững: Xây dựng văn phòng xanh, tổ chức các hoạt động vì môi trường, cố gắng nâng cao phúc lợi tổ chức tour mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng…Mỗi doanh nghiệp hiện tại cũng có những phương thức hoạt động, thế mạnh khác nhau, nhưng đều hướng đến mục tiêu có trách nhiệm; và các doanh nghiệp cũng đang cố gắng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, cố gắng lan tỏa các hoạt động.
Thời gian qua, các doanh nghiệp đã nỗ lực làm việc thật sự có ý nghĩa: hợp tác kinh doanh, đào tạo, nâng cao nhận thức, hỗ trợ kỹ thuật và thông tin về thực hành du lịch có trách nhiệm trong việc xây dựng sản phẩm của các công ty thành viên, nâng cao nhận thức cho khách hàng; xây dựng thương hiệu về hoạt động du lịch có trách nhiệm; đào tạo nâng cao kỹ năng chuyên môn cho các thành viên, khuyến khích thành viên tối đa hóa việc sử dụng xe đạp trong tour; xây dựng sản phẩm tour du lịch có trách nhiệm.
Ngoài ra, tổ chức nhiều hoạt động khác như chiến dịch “Tắt đèn - Bật tương lai”; kết nối khách du lịch với việc bảo tồn rừng phòng hộ và động vật hoang dã; đào tạo, nâng cao năng lực, nhận thức về du lịch có trách nhiệm tại Chiềng Yên (Sơn La), Tả Phìn (Lào Cai).
Các công ty thành viên cũng tích cực trong việc đưa ra những sáng kiến, nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích thực hành du lịch có trách nhiệm trong nội bộ, tạo sự ảnh hưởng đến đồng nghiệp trong ngành. Gần đây nhất, các doanh nghiệp đã xây dựng và đưa vào khai thác sản phẩm tại làng Đông Ngạc (Hà Nội), sử dụng 100% dịch vụ địa phương gồm hoạt động đi chợ quê, nấu ăn tại nhà dân; chi trả phí tham quan cho những chủ nhà cổ; tặng quà nông dân khi du khách đạp xe ngắm hoa tại làng Liên Mạc.
Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (TCDL) Nguyễn Anh Tuấn đánh giá cao ý tưởng và nỗ lực hoạt động của nhóm doanh nghiệp này. Ông Tuấn cho rằng, hoạt động của các doanh nghiệp có ý nghĩa rất tích cực, góp phần tuyên truyền tốt xu thế phát triển du lịch bền vững, nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp với môi trường, xã hội, cộng đồng. Tuy nhiên, về lâu dài, nhóm doanh nghiệp này nên hướng tới thành lập CLB theo các quy định hiện hành, như vậy, hoạt động triển khai sẽ được hưởng ứng rộng rãi hơn, hiệu quả mang lại sẽ tốt hơn”.