Nước biển xâm thực ngày càng nghiêm trọng dọc bờ biển Quảng Nam

Cập nhật: 26/08/2014
Tỉnh Quảng Nam có 125 km chiều dài bờ biển thuộc địa giới hành chính của 8 huyện, thành phố. Khoảng 10 năm trở lại đây hiện tượng nước biển xâm thực đã diễn ra nghiêm trọng làm cuốn trôi nhiều bãi tắm đẹp, nhiểu khu vực rừng phòng hộ và đang lấn sâu vào các khu dân cư ven biển nhất là ở tại huyện Núi Thành và thành phố Hội An.

Ảnh: TL


* Nguy cơ mất làng do nước biển xâm thực 

Tại xã đảo Tam Hải thuộc huyện Núi Thành, nhiều vị trí ở đây nước biển đã xâm thực sâu vào khoảng 50m chỉ trong vòng 5 năm qua. Tại thôn Thuận An, xã Tam Hải nơi có hai mặt giáp biển, do tình hình xâm thực của biển diễn ra nghiêm trọng nên 200 hộ dân nơi đây đang được chính quyền xã lên kế hoạch di dời đi nơi khác. Ông Bạch Ngọc Hóa, ở thôn Thuận An cho biết: Cứ vào thời điểm mùa mưa bão, bà con ở đây rất lo sợ. Nước biển đã xâm thực chỉ còn cách thôn khoảng 100m nên khi bão về hầu hết người dân phải di chuyển vào trong đất liền vì sóng biển đánh mạnh theo những con mương tràn nước vào sâu trong thôn gây thiệt hại về tài sản và hoa màu. 

Khu rừng thông (phi lao) phòng hộ do người dân nơi đây trồng để chắn sóng nhưng qua mấy trận bão lớn gần đây đã cuốn trôi hàng chục héc ta rừng cộng với việc người dân chặt cây để làm hồ nuôi tôm nên “tấm lá chắn” cho cả thôn trước gió bão vốn mỏng manh nay càng thưa thớt hơn. Ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Ban Nông nghiệp xã Tam Hải cho biết: mấy năm trở lại đây, nhiều người trong thôn Thuận An đã di chuyển cả gia đình vào trong đất liền để sinh sống do lo sợ thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp. Vị trí hẹp nhất của thôn Thuận An bị nước biển hai phía lấn sâu bây giờ bề ngang chỉ còn 320m. 

Năm 2010, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư xây dựng công trình kè bảo vệ và chống sạt lở bờ biển ở những điểm xung yếu trên xã đảo Tam Hải dài trên 2 km. Từ khi công trình này được đưa vào sử dụng năm 2012, hiện tượng sạt lở bờ biển được hạn chế, đời sống nhân dân được ổn định hơn. Tuy nhiên do ảnh hưởng của cơn bão số 11 năm 2013, một đoạn kè cuối tuyến dài khoảng 30m đã bị sóng, gió bão làm hư hỏng và xã Tam Hải đã kiến nghị lên tỉnh để xem xét làm lại. Ngoài ra, xã Tam Hải còn khoảng 2,4 km bờ biển ở thôn Thuận An và thôn Bình Trung cần phải xây kè để giữ đất nếu không mỗi năm nước biển sẽ lấn sâu vào khoảng 10m, nhưng xã chưa có kinh phí đầu tư. 

* Những tác động tiêu cực đến các khu nghỉ dưỡng ven biển 

Thành phố Hội An có bờ biển kéo dài khoảng 7 km nhưng từ năm 2009 đến nay tình trạng mất đất do nước biển xâm thực đã xảy ra liên tục đặc biệt ở khu vực biển Cửa Đại, nơi tập trung các khu nghỉ dưỡng cao cấp của thành phố du lịch này. Tuyến đường ven biển Âu Cơ ở khu vực biển Cửa Đại trước đây cách biển hơn 200m nhưng nay biển đã tiến gần chỉ còn cách con đường này khoảng 40m; sóng biển đã cuốn đi nhiều bãi tắm đẹp ở khu vực này. 

Các khu nghỉ dưỡng cao cấp nơi đây đang phải tự “gồng mình” chống chọi với sự xâm thực mạnh mẽ từ nước biển. Khu nghỉ dưỡng Victoria khi bắt đầu khai trương năm 2001 bãi biển nơi đây còn cách bờ kè của khu nghỉ dưỡng 50m nhưng từ tháng 9/2013 đến nay nước biển đã xâm thực đến sát bờ kè của khu nghỉ dưỡng này. Ở khu nghỉ dưỡng Đồng Dương sóng biển còn làm vỡ các bờ kè bằng bê tông kiên cố, cuốn trôi đất phía bên trong làm cho một dãy các căn hộ nhỏ trong khu nghỉ dưỡng này bị ngã đổ trơ phần móng. Các khu nghỉ dưỡng nằm liền kề như Golden Sand, SunRise, Vinpearl…và nhiều bãi tắm công cộng cũng chung tình cảnh tương tự. 

Trong khi chờ đợi các giải pháp căn cơ của các cơ quan chức năng ở tỉnh và trung ương thì các khu nghỉ dưỡng này đang phải tự bảo vệ tài sản của mình nếu như không muốn bị nước biển cuốn trôi đi. Ở khu vực biển Cửa Đại, mỗi khu nghỉ dưỡng có một cách làm riêng để chống lại sự xâm thực của nước biển. Cụ thể, khu nghỉ dưỡng Victoria dùng đá hộc và cọc tre, gỗ đóng xuống bãi cát nhằm giữ chân bờ kè; khu nghỉ dưỡng SunRise thì sử dụng công nghệ kè chắn mềm bằng bao cát có bề ngang 2m theo công nghệ của Australia để bảo vệ bãi biển dài 200m. Không dừng lại ở đó, khu nghỉ dưỡng Golden Sand còn tự làm kè đá hộc bảo vệ ra xa diện tích đất được giao quyền sử dụng 15m đồng thời còn làm một kè vành đai lấn biển cách bờ 70m để hạn chế những con sóng lớn. Tuy nhiên, việc làm tự phát phá vỡ quy hoạch bờ biển của khu nghỉ dưỡng Golden Sand đã bị UBND thành phố Hội An ra quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu phá dỡ hạng mục kè vành đai lấn biển đã xây dựng… 

Các khu nghỉ dưỡng ở khu vực biển Cửa Đại được sắp xếp xen kẽ nhau với những bãi tắm công cộng nên những giải pháp mà các khu nghỉ dưỡng này làm trong thời gian qua chỉ mang tính tình thế, cục bộ bởi các bãi tắm công cộng ở bên cạnh các khu nghỉ dưỡng này nhiều chỗ chưa được kè và đang bị nước biển lấn sâu. 

Ông Ngô Văn Hoàng, Giám đốc khu nghỉ dưỡng SunRise cho biết: trong vòng 8 năm trở lại đây, nước biển đã xâm thực vào khu nghỉ dưỡng này 200m. Từ năm 2004 đến nay khu nghỉ dưỡng này đã mất khoảng 1 triệu USD cho việc làm các bờ kè, từ kè cứng đến kè mềm theo công nghệ của nước ngoài nhưng chỉ hạn chế được một phần nào. Những con sóng cao vẫn vượt qua những bờ kè cuốn cát đi và hàng năm doanh nghiệp lại phải đầu tư lại rất tốn kém. Các khu nghỉ dưỡng tại đây đã phối hợp mời chuyên gia của Hà Lan về khảo sát tư vấn nhưng phương án đưa ra để làm hệ thống kè đồng bộ có vốn đầu tư quá lớn chỉ có Chính phủ hoặc tỉnh mới có thể làm được. 

Trước đây, những khu nghỉ dưỡng ở đây nổi tiếng vì những bãi biển đẹp và thơ mộng thì nay không còn nữa. Có thể nói, tác động tiêu cực của nước biển xâm thực đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các khu nghỉ dưỡng này. Phần lớn du khách đến với các khu nghỉ dưỡng ở đây để ngắm biển và tắm biển nhưng hiện nay không còn những bãi biển trong những khu nghỉ dưỡng này phục vụ du khách. Ông Ngô Văn Hoàng, Giám đốc khu nghỉ dưỡng SunRise cho biết: những năm trước khi còn những bãi tắm, các phòng nghỉ nhìn ra hướng biển có giá thuê gấp 5 lần các phòng ở hướng khác nhưng nay sự chênh lệch này không còn nữa. Mặt khác, các công ty bảo hiểm cũng ngừng bán các gói bảo hiểm đối với các căn hộ trong khu nghỉ dưỡng nằm sát phía bờ kè do độ rủi ro cao. 

* Ứng phó với tình trạng xâm thực 

Năm 2010, tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Dự án chống xâm thực bờ biển Hội An với tổng kinh phí phê duyệt đầu tư gần 299 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là trên 80 tỷ đồng với chiều dài bờ kè xây dựng là gần 1.340m; đến nay thành phố Hội An đã đầu tư xây dựng hoàn thành được 714m bờ kè. Trong tháng 7 vừa qua, thành phố Hội An đã đề nghị tỉnh Quảng Nam cho phép thành phố được thuê chuyên gia tư vấn để đánh giá tình hình nước biển xâm thực trên địa bàn; tiếp tục đầu tư xây dựng các đoạn kè còn lại thuộc Dự án chống xâm thực bờ biển Hội An giai đoạn 1. 

Mặc dù tình trạng nước biển xâm thực đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng nhưng tỉnh Quảng Nam vẫn chưa có những nghiên cứu đánh giá một cách tổng quát vấn đề này. Hiện tại, tỉnh Quảng Nam mới đang chuẩn bị thành lập tổ giúp việc gồm các thành viên của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở ban ngành liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Nam giải quyết vấn đề xâm thực vùng ven biển Hội An. Theo các kết quả nghiên cứu thủy văn những năm qua, tốc độ dâng của mực nước biển trung bình năm tại thành phố Hội An tăng khoảng trên 0,5 cm/năm như vậy có thể thấy được sự ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu đến mực nước biển dâng tại thành phố này nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. 

Theo kịch bản biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tình trạng ngập lụt chủ yếu xảy ra tại khu vực ven biển có địa hình thấp, với tổng diện tích bị ngập khoảng hơn 306 km2. Trong đó, địa phương bị ngập nhiều nhất là thành phố Hội An với hơn 27% diện tích bị ngập; tiếp theo là các huyện Điện Bàn 26%, huyện Duy Xuyên gần 16% và huyện Núi Thành 15% diện tích bị ngập.

Nguồn: Tinmoitruong.vn