Là tỉnh tiếp giáp với Campuchia, có 2 cửa khẩu quốc tế và hơn chục cửa khẩu phụ, Tây Ninh chỉ cách thành phố Hồ Chí Minh 100km, có tiềm năng để trở thành một trung tâm du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử và tâm linh của khu vực miền Ðông Nam Bộ và cả nước. Ngoài những thuận lợi về vị trí địa lý, Tây Ninh còn là tỉnh có những nét độc đáo để du khách đến tìm hiểu như Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Trung ương Cục miền Nam và nhiều di tích văn hóa khác như: Tòa thánh Cao đài, Tháp Chóp Mạt, Núi Bà Đen, Hồ Dầu Tiếng, Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát đặc trưng cho vùng đất ngập nước theo mùa.v.v… Đây chính là những tiềm năng lớn để Tây Ninh có thể phát triển hầu hết các loại hình du lịch từ truyền thống văn hoá, sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hoá tâm linh, nghiên cứu khoa học.
Trong những năm qua, ngành du lịch Tây Ninh đã có những bước phát triển đáng khích lệ, với lượng khách gia tăng mỗi năm. Chỉ tính riêng trong năm 2013, Tây Ninh đã đón 3,5 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, trong đó riêng núi Bà Đen đã thu hút 2,4 triệu lượt khách. Tuy nhiên, so với tiềm năng và những lợi thế hiện có thì Tây Ninh vẫn chưa tận dụng, khai thác hết những thế mạnh của mình để phát triển du lịch một cách tương xứng. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch còn thiếu và yếu. Các doanh nghiệp du lịch ở Tây Ninh cho rằng, để nâng cao chất lượng, thu hút khách du lịch đến với Tây Ninh, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tỉnh Tây Ninh cần tập trung chú trọng phát triển các tuyến du lịch trọng điểm, xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương theo hướng chủ đạo là du lịch tâm linh, về nguồn và du lịch sinh thái.
Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, Tây Ninh đã ban hành danh mục các dự án đầu tư cần thiết cho sự phát triển của hoạt động du lịch, làm cơ sở xây dựng và thực hiện chính sách thúc đẩy đầu tư, nhất là về cơ sở hạ tầng. Trong đó tập trung đầu tư xây dựng các khu, cụm du lịch như cụm thành phố Tây Ninh - núi Bà Ðen, cụm Thiện Ngôn- Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Kêu gọi đầu tư, phát triển mở rộng một số khu du lịch đã được quy hoạch như Khu du lịch Ma Thiên Lãnh - Núi Bà Ðen rộng 96 ha. Một dự án trọng tâm khác đang được mời gọi đầu tư để xây dựng khu vực hồ Dầu Tiếng rộng 800 ha thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, thể thao. Tỉnh Tây Ninh cũng hướng tới mục tiêu phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực quan trọng cho kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cũng theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng năm 2030. Tây Ninh có 12 dự án kêu gọi đầu tư với tổng số vốn đầu tư trên 250 triệu USD. Trong đó, Khu di tích lịch sử văn hóa núi Bà Đen đã được Chính phủ phê duyệt là Khu du lịch quốc gia. Theo đó, khu du lịch này sẽ được đầu tư số vốn 210 triệu USD, chia thành 4 giai đoạn để xây dựng và phát triển. Ngoài ra, Khu Căn cứ trung ương Cục miền Nam (huyện Tân Biên) cũng đã trở thành điểm du lịch quốc gia.
Để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển du lịch địa phương, tỉnh Tây Ninh đang nỗ lực tập trung khắc phục những hạn chế, trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển du lịch ở các khu vực trọng điểm như tập trung phát triển khu vực núi Bà Đen thành khu du lịch với quần thể các điểm du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, công viên sinh thái, nhằm khai thác tiềm năng du lịch lễ hội, tâm linh và sinh thái ở đây; ưu tiên đầu tư các công trình dịch vụ, trung tâm thông tin, các dự án phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, hệ thống dịch vụ, các công viên giải trí, hội nghị, triển lãm trên địa bàn thành phố Tây Ninh. Đồng thời, tỉnh cũng tập trung đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di tích Trung ương Cục miền Nam và các di tích liên quan thành điểm du lịch quốc gia; ưu tiên phát triển các khu dịch vụ phục vụ khách du lịch caravan, khách du lịch thương mại cửa khẩu ở Mộc Bài; tập trung phát triển loại hình du lịch mang tính sinh thái, vui chơi giải trí phục vụ du khách nghỉ cuối tuần.v.v./…