Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng kế hoạch phân vùng sử dụng tổng hợp đới bờ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm hạn chế và giải quyết các mâu thuẫn trong khai thác, bảo vệ và cải thiện môi trường, tài nguyên vùng đầm phá, ven biển; bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy các giá trị văn hóa, cảnh quan di tích; giảm nhẹ tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và phát triển sinh kế cộng đồng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đới bờ của các địa phương trong vùng.
Ông Nguyễn Đình Đấu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Quản lý Nhà nước về biển, đảo, đầm phá là lĩnh vực mới; các hoạt động thuộc phạm vi biển, đảo và đầm phá lại do nhiều ngành thực hiện, chịu sự chi phối của nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Do đó, công tác quản lý vùng bờ mang tính tổng hợp đòi hỏi phải được sự phối hợp thống nhất của đa ngành; đồng thời phải tăng cường năng lực quản lý, bảo vệ, sử dụng và khai thác tài nguyên môi trường mới đạt được kết quả. Với tinh thần đó, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển kinh tế biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên - Huế, và Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 để góp phần nâng cao ý thức trong hoạt động khai thác tài nguyên bảo vệ môi trường biển, đảo; đồng thời nâng cao nhận thức trong công tác quản lý nhà nước về biển đảo và đầm phá.
Vùng đới bờ tỉnh Thừa Thiên - Huế có đường bờ biển dài 128km tiếp cận với ngư trường biển Đông. Có hơn 20km vùng núi đá ven biển từ cửa Lăng Cô đến bán đảo Sơn Trà là vùng đa dạng sinh học của khu vực. Ngoài ra, hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài 70km với diện tích hơn 22.000ha là vùng sinh thái ngập mặn có tiềm năng sinh học phong phú, vừa là một vùng đặc thù kinh tế của tỉnh… Trong vùng có 52 xã thuộc 5 huyện ven biển của tỉnh, được chia thành 11 vùng theo 4 nhóm chính: Nhóm vùng bảo tồn, bảo vệ và phục hồi; nhóm vùng đệm, sử dụng với cường độ thấp; nhóm vùng phát triển và nhóm vùng dự trữ.
Đối với nhóm vùng bảo tồn, bảo vệ và phục hồi được đề xuất 4 vùng bảo tồn, 8 vùng bảo vệ thủy sản và 1 vùng phục hồi sinh cảnh… Vùng phục hồi sinh cảnh kết hợp du lịch sinh thái được đề xuất là vùng rừng ngập mặn Rú Chá có diện tích khoảng 50 đến 100 ha bao gồm cả mặt nước. Nhóm vùng phát triển được đề xuất gồm vùng phát triển kinh tế tổng hợp Chân Mây; vùng phát triển du lịch Cảnh Dương - Lăng Cô - Chân Mây, Đông Dương Hàm Rồng thuộc 2 xã Vinh Hiền và Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc), Hồ Truồi - Nhị Hồ - Suối Voi và vùng du lịch sinh thái cao cấp đầm Cầu Hai- cửa Tư Hiền; vùng phát triển cảng biển Thuận An, Chân Mây; vùng đánh bắt ven bờ nằm trong phạm vi đới bờ đề xuất lập kế hoạch phân vùng này, ngoại trừ các vùng nước đề xuất sử dụng cho hoạt động cảng, du lịch và bảo tồn. Trên cơ sở đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung vào bảo tồn và phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tôn tạo tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, làm tiền đề cho phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo an ninh, chính trị và an toàn xã hội.
Vùng đới bờ liên quan đến diện tích đất ngập mặn ở đầm phá và ven biển Thừa Thiên - Huế có diện tích rất lớn, nhưng hiện tại chỉ còn chưa đầy 8ha rừng ngập mặn, chủ yếu là vùng rú chá Hương Phong (thị xã Hương Trà); Cảnh Dương và đầm Lập An, Lăng Cô (huyện Phú Lộc), Tân Mỹ (huyện Phú Vang). Do diện tích rừng ngập mặn còn lại ít nên việc trồng rừng ngập mặn để tái tạo và phục hồi, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học vùng đầm phá ven biển rất được tỉnh chú trọng.
Phó Chủ tịch thị xã Hương Trà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: Thị xã Hương Trà đã quy hoạch và định hướng phát triển 300 ha rừng ngập mặn; trong đó riêng xã Hương Phong bước đầu là 70 ha. Ở đây, người dân đóng vai trò chính trong việc lập kế hoạch mở rộng diện tích rừng ngập mặn ở khu vực Rú Chá và Cồn Tè. Theo quy hoạch, việc trồng rừng ngập mặn ở Hương Phong đồng thời với việc phát triển các ngành dịch vụ, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái kết nối với hệ sinh thái bền vững vùng đầm phá Tam Giang...