Đèn lồng Huế - Bản sắc văn hóa Cố đô đang hồi sinh

Cập nhật: 05/09/2014
Với mong muốn khôi phục nghề truyền thống của cha ông, tạo chỗ đứng trên thị trường, cơ sở sản xuất đèn lồng Cố Đô tại số 26, đường Phạm Tu, phường Hương Long, thành phố Huế đã cải thiện mẫu mã, tạo nên những sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng, vừa khẳng định thương hiệu đèn lồng Huế, vừa quảng bá bản sắc văn hóa Huế đến du khách trong và ngoài nước.

 

Những ngày cận kề Tết Trung Thu, cơ sở đèn lồng Cố Đô trở nên nhộn nhịp hơn, mỗi người một công đoạn như cưa gỗ, tiện hoa văn, cắt vải, viết chữ..., khẩn trương hoàn thiện những chiếc lồng đèn để giao hàng đúng thời hạn.

 

Anh Nguyễn Ngọc Mẫn, 42 tuổi, chủ cơ sở Đèn lồng Cố Đô cho biết, trung bình mỗi tháng cơ sở xuất xưởng hơn 1.000 chiếc lồng đèn. Trong những dịp lễ hội, Rằm tháng Tư, Tết Trung Thu thì số lượng tăng gấp đôi, gấp rưỡi. 

 

Ngoài 15 thợ làm việc thường xuyên tại xưởng, lúc cao điểm, mấy thế hệ trong gia đình phải tất bật làm suốt ngày đêm, hoặc khoán cho một số gia đình nhận về nhà làm một trong các công đoạn như làm khung hay dán vải, vẽ hoa văn…, để công việc được thúc đẩy nhanh hơn.

 

Để có được thương hiệu như ngày hôm nay, cơ cở của anh Mẫn cũng trải qua không ít khó khăn. Anh Mẫn kể, sản xuất đèn lồng là nghề gia truyền của gia đình. Ngày trước, ông nội của anh có tham gia làm đèn lồng để trang trí trong cung đình. Rồi có lúc, nghề này bị gián đoạn vì không thể sống với nghề.

 

Sau nhiều năm bôn ba vào miền Nam làm ăn, anh cùng 8 anh em trong gia đình đã quyết tâm trở lại Huế mở cơ sở sản xuất đèn lồng Cố Đô với mong muốn làm sống lại nghề làm đèn lồng gia truyền.

 

Sản xuất đèn lồng là nghề thủ công truyền thống lâu đời của Huế, tuy nhiên trên thị trường ở đây, đèn lồng lại được nhập về từ nơi khác, thậm chí nhiều dịp lễ hội của Huế lại chỉ treo đèn của Hội An, Đà Nẵng, thậm chí của cả Trung Quốc. Vì vậy, gia đình anh càng muốn nỗ lực vực dậy nghề truyền thống và xây dựng thương hiệu đèn lồng Cố Đô Huế.

 

Sau gần 10 năm gắn bó với nghề, từ việc sản xuất nhỏ lẻ, ký gửi một số điểm du lịch, hay bán cho các chợ trên địa bàn tỉnh, cho đến việc đi chào bán, giới thiệu ở các thị trường ngoại tỉnh, đến nay, lồng đèn Cố Đô đã có mặt tại các thị trường Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Nha Trang...

 

Để thu hút khách hàng, cơ sở đèn lồng Cố Đô đã nghiên cứu và chế tác ra nhiều mẫu mã từ đèn lồng truyền thống. Hiện, cơ sở có khoảng 40 mẫu đèn lồng khác nhau, như đèn hoa sen, lục giác, quả cầu, hoa tuylíp, củ tỏi…

 

Đèn lồng Huế, được nhiều du khách đánh giá cao không chỉ bởi mẫu mã đẹp, đa dạng mà còn bởi chất lượng. Đèn lồng Cố Đô có thể sử dụng lâu dài, chịu được mưa gió vì được làm từ vải gấm, lụa tơ tằm và loại gỗ thông đẹp được phơi khô, chạm trổ hoa văn tất cả đều được làm thủ công rất tinh xảo.

 

Với nhiều kích cỡ khác nhau, mỗi chiếc đèn lồng có giá từ 30.000-5.000.000 đồng để du khách lựa chọn.

Chia sẻ bí quyết tạo dựng thương hiệu của mình, anh Mẫn cho biết, để đèn lồng có chỗ đứng trên thị trường, cơ sở không ngừng cải tiến mẫu mã, dựa vào nhu cầu, thị hiếu, không gian trang trí để đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới lạ, phù hợp.

 

Đặc biệt, cơ sở còn tạo ra những chiếc đèn lồng mang đặc trưng xứ Huế với những hoa văn, họa tiết chạm trổ trên khung, in trên vải là hình rồng, kiến trúc cung đình Huế, các lăng tẩm, chùa chiền... như đèn rồng, đèn long-lân-quy phụng.

 

Nhờ vậy, đèn lồng Cố Đô không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn chinh phục thị trường khó tính ở nhiều nước trên thế giới.

 

Thời gian gần đây, thông qua các doanh nghiệp ngoại tỉnh, sản phẩm đèn lồng Huế đã xuất khẩu sang nhiều nước và vùng lãnh thổ như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Tuy mỗi đợt chỉ từ 300-500 chiếc, nhưng đây là tín hiệu vui cho cơ sở cũng như nghề sản xuất đèn lồng tại Huế.

 

Thời gian qua, đèn lồng Cố Đô đã được đưa đi tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, festival nghề truyền thống trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá về một sản phẩm, một ngành nghề truyền thống của Huế.

 

Ngoài ra, để phát triển thương hiệu, cơ sở đèn lồng Cố Đô đã gắn phát triển nghề với phát triển sản phẩm du lịch, hàng lưu niệm. Cơ sở đã tạo ra nhiều mẫu đèn có kích thước nhỏ, có các nếp gấp đảm bảo cho du khách mang đi xa dễ dàng và không bị hư hỏng trong việc vận chuyển.

 

Có thể nói, đèn lồng Cố Đô đã bước đầu xây dựng thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước, tuy nhiên số lượng vẫn còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, nghề đèn lồng vẫn gặp không ít khó khăn khi chưa có điểm trưng bày, thị trường chưa ổn định, sản phẩm chất lượng nhưng giá thành cao.

 

Thời gian tới, bên cạnh việc nghiên cứu tìm tòi nhiều mẫu mã mới, phát triển chất lượng, cơ sở đèn lồng Cố Đô sẽ mở rộng quy mô sản xuất, thiết kế các loại đèn với nhiều chất liệu khác nhau để giảm giá thành, phục vụ mọi đối tượng khách hàng.

 

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện có nhiều cơ sở sản xuất đèn lồng như Hợp tác xã mây tre đan Bao La, cơ sở mỹ nghệ Bội Trân, Tre Việt..., trong đó, cơ sở đèn lồng Cố Đô chiếm 50% thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.

 

Để phát triển nghề truyền thống này, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang triển khai hỗ trợ vốn để khôi phục nghề, đào tạo nghề, mở rộng sản xuất, cải tiến mẫu mã đồng thời quan tâm đến việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn