Bảo tồn, phát triển hệ sinh thái vùng biển đảo Trường Sa

Cập nhật: 17/11/2014
Quần đảo Trường Sa, gồm hơn 100 đảo lớn nhỏ và rạn san hô, với diện tích khoảng 410 nghìn km2. Do sở hữu hàng trăm rạn san hô rải rác khắp một vùng biển rộng lớn và hàng trăm loài rong biển, cho nên quần đảo Trường Sa là nơi có tính đa dạng sinh học cao.
 

Các rạn san hô không chỉ là nơi cư trú lý tưởng cho các sinh vật biển, mà còn là nơi nuôi dưỡng nguồn lợi thủy sản dồi dào cho toàn Biển Đông.

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên vùng biển Trường Sa có khoảng 382 loài san hô cứng thuộc 70 giống, 15 họ đã được tìm thấy. Đây là nơi có số loài san hô khá cao, ngang bằng với số lượng loài phát hiện được trên toàn dải ven biển Việt Nam và bằng khoảng một nửa số loại san hô trên toàn thế giới. Các nhà nghiên cứu biển Việt Nam và quốc tế đã chỉ ra rằng, trong quá trình sinh tồn và phát triển hàng trăm triệu năm, các rạn san hô đã tích tụ một khối lượng khổng lồ các-bon-nát can-xi, từ đó tạo nên sự hình thành của các đảo và tiếp tục bồi đắp các đảo ngày một cao hơn và mở rộng hơn.

Với giới hạn phân bộ ở độ sâu từ 30 đến 40 m dưới mực nước biển, các rạn san hô này là yếu tố quan trọng tạo nên sự đa dạng và nguồn lợi hải sản cho các đảo; đồng thời có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành tiếp nối của các đảo trong tương lai.

Rạn san hô đảo Đá Tây, huyện Trường Sa, Khánh Hòa. (Ảnh: Nhân Dân)

 

Hệ sinh thái san hô biển Trường Sa đều có nguồn gốc từ sinh vật, song quan trọng nhất là đá san hô với độ dày hơn 20 m và cho đến nay lớp bao phủ này vẫn ngày càng dày thêm nhờ sự phát triển hàng nghìn héc-ta rạn san hô bao phủ bên ngoài. Đáng chú ý, đây là khu vực có rạn san hô dạng vòng (atoll rif) rất đặc trưng mà vùng biển ven bờ không có. Sự phân bố mật độ san hô trong khu vực quần đảo được chia thành ba đới, được quy định bởi độ sâu và những khác biệt trong sự hiện diện của các chủng, loại san hô. Cụ thể, đới mặt bằng rạn có độ che phủ trải rộng từ 500 m đến hơn 1.000 m, san hô sinh sống tại đới này chủ yếu là dạng khối hoặc cành ngắn, bám chắc vào bề đáy để không bị những cơn sóng lớn cuốn trôi. Đới sườn dốc, nằm ở độ sâu dưới 20 m, ở đới này độ bao phủ của san hô khá rộng, phát triển tốt và phong phú về chủng loại như san hô cành, san hô xanh, san hô sừng. Đới chân rạn là vùng nước sâu từ 40 đến 50 m, nước biển sạch là điều kiện lý tưởng để san hô phát triển, với 2.397 loài sinh vật (trong đó có 364 loài san hô, 739 sinh vật đáy và gần 600 loài cá) sống ở khu vực các vùng nước quanh đảo, nhiều loài có tên trong sách Đỏ thế giới.

Trong các đảo lớn của quần đảo Trường Sa, đảo Nam Yết với vành đai san hô bao quanh dài hơn 3 km, rộng khoảng 250 km2 theo hình thái rạn san hô viền bờ giống như các đảo khác; tuy nhiên phần dưới biển phía nam đảo là những vách đá dựng đứng với nhiều loài san hô bám độc đáo. Hòn đảo này cũng được đánh giá là nơi phong phú nhất về thành phần loài san hô và xuất hiện cả san hô đỏ vô cùng quý hiếm; đảo còn sở hữu 166 loài cá, nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao như cá mú, hồng, hè, bò… Hệ sinh thái rạn san hô ở Nam Yết đạt bậc thứ tư theo chuẩn thế giới, nghĩa là thuộc loại tốt.

Đảo Thuyền Chài, là một quần thể san hô thuộc hình thái rạn vòng atoll, bao quanh một vùng nước ở giữa, là hình thái tương đối hiếm trên thế giới và độ bao phủ của 299 loài san hô cũng đạt cao nhất trong các đảo thuộc khu vực này.

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường cho thấy, quanh quần đảo Trường Sa có hàng trăm loài rong biển, trong đó khoảng 60 loài có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Căn cứ giá trị sử dụng của từng loài, các nhà khoa học đã phân loại rong biển tại quần đảo Trường Sa thành sáu nhóm làm nguyên liệu chế biến, cụ thể như nhóm làm nguyên liệu chế biến kẹo Carrageenan; nhóm làm nguyên liệu chế biến thạch (agar), dược liệu, thực phẩm, phân bón và rau xanh.

Với nguồn lợi nêu trên, rong biển tại quần đảo Trường Sa trở thành một nguồn tài nguyên có ý nghĩa thực tiễn rất lớn, góp phần bổ sung tài liệu nguồn lợi rong biển trong nước, giúp cơ quan quản lý tại quần đảo Trường Sa có thể định hướng khai thác nguồn tài nguyên quý giá này một cách hợp lý và có hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của các vùng đảo.

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động khai thác san hô trái phép đã làm suy giảm các loài san hô, điển hình là việc nhiều ngư dân dùng phương tiện “đánh” cả tảng san hô chuyển lên tàu mang vào đất liền làm “cây cảnh”, “san hô bộ”…

Nhiều trường hợp còn dùng thuốc nổ để đánh bắt cá, gây ô nhiễm môi trường và hủy hoại rạn san hô; việc đổ chất thải, rác thải trực tiếp xuống biển cũng là những nguy cơ lâu dài gây ô nhiễm môi trường…

Để bảo vệ các rạn san hô tại quần đảo Trường Sa, thời gian tới, chúng ta cần sớm thiết lập các khu bảo tồn tại các khu vực như Nam Yết, Thuyền Chài… tạo ra cơ hội hợp tác về bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn, giám sát san hô, cũng như thúc đẩy du lịch vùng biển xa bờ của Việt Nam được thuận lợi và phát triển. Tổ chức nghiên cứu và xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận vùng biển Trường Sa là di sản thiên nhiên thế giới về đa dạng sinh học san hô (năm 2006, các nhà khoa học nghiên cứu về di sản thiên nhiên đã đưa vùng biển, đảo Trường Sa vào danh mục tiềm năng di sản thiên nhiên số một của UNESCO).

Thiết lập kho tài liệu, cơ sở dữ liệu tổng hợp về tài nguyên và môi trường, cảnh quan du lịch giúp quảng bá trong và ngoài nước; xây dựng các chương trình, kế hoạch nghiên cứu tài nguyên và môi trường biển, đảo Trường Sa, du lịch Trường Sa… Thực hiện việc lượng giá tài nguyên và môi trường từng đảo, vùng biển đảo và toàn khu vực, nhằm xây dựng Chiến lược bảo vệ thiên nhiên môi trường vùng biển, đảo Trường Sa; đánh giá cảnh quan các bãi tắm biển, tiềm năng du lịch, nguồn lợi rong biển, san hô tại các đảo thuộc khu vực này; đồng thời Nhà nước cần sớm ban hành chính sách, cơ chế phối hợp liên quốc gia trong nghiên cứu, bảo vệ, quản lý tài nguyên và môi trường biển, đảo Trường Sa…

TS Dư Văn Toán, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Theo Nhân Dân, 17/11/2014

 

Nguồn: ThienNhien.Net