Việt Nam có khoảng 94 loài thực vật ngoại lai xâm hại

Cập nhật: 20/11/2014
​Thông tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), tại Hà Nội Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) đã tổ chức “Hội thảo đánh giá thực trạng công tác quản lý về sinh vật ngoại lai xâm hại tại Việt Nam” ngày 18/11.

Theo thống kê của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, số lượng thực vật ngoại lai xâm hại có khoảng 94 loài, trong đó, có 42 loài xâm hại thuộc họ thực vật; 48 loài động vật thủy sinh ngoại lại. Đáng lo ngại là có những trường hợp du nhập những loài thủy sinh vật ngoại lai vào Việt Nam với số lượng lớn nhưng do không được kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ đã để xảy ra tình trạng bùng phát trong tự nhiên và gây ra tác hại nặng nề.

 

Tại buổi hội thảo, các đại biểu tham dự buổi lễ cho rằng, sinh vật ngoại lai đang là vấn đề đáng lo ngại, không ít loài sinh vật ngoại lai đã xâm nhập vào nước ta gây hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái. Công tác quản lý, kiểm tra và kiểm soát chưa chặt chẽ, đã để xảy ra tình trạng bùng phát trong tự nhiên và gây ra tác hại nặng nề. Do vậy, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường sự quản lý, ngăn ngừa, kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại nghiêm trọng tại Việt Nam.

 

Ngoài ra, các đại biểu cũng đánh giá việc quy định quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại còn có nhiều bất cập như thiếu các quy định phân tích rủi ro, nguy cơ trước khi nhập khẩu lần đầu động vật, thực vật, hàng hóa, quy định khi nhập khẩu, kiểm dịch động vật, thực vật, nhiều đối tượng quản lý chưa được đề cập, thiếu hướng dẫn kỹ thuật phát hiện sớm, phản ứng nhanh đối với sinh vật ngoại lai xâm hại trong nước, kiểm soát, diệt trừ sinh vật ngoại lai… 

 

Để ngăn ngừa và kiểm soát được sự lây lan, giảm thiểu tác hại của một số loài ngoại lai đang xâm hại nghiêm trọng ở Việt Nam, trước hết cần tăng cường xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại. Đồng thời, cần có giải pháp đồng bộ hóa về chế tài xử lý cũng như phân công nhiệm vụ giải quyết cụ thể đối với trường hợp loài ngoại lai xâm hại cũng như là đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát, sinh vật gây hại thực vật, tăng cường cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương và người dân trong công tác phòng ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại,  nâng cao năng lực và sự phối hợp của các đơn vị kiểm định, khảo nghiệm, các chi cục hải quan, tăng cường các hoạt động kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ phòng ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại...

Phú Đình (TH)

 

Nguồn: KTĐT