Trong những năm qua, tỉnh Gia Lai đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng; nâng cao độ che phủ rừng lên 53% và giữ ổn định độ che phủ trong những năm tiếp theo, góp phần đảm bảo môi trường sinh thái, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 900.000 ha rừng và đất rừng, trong đó 58.000 ha rừng đặc dụng, 154.000 ha rừng phòng hộ và hơn 650.000 ha rừng sản xuất. Toàn bộ diện tích rừng và đất rừng đều được giao cho các chủ rừng quản lý; trong đó có hơn 500.000 ha rừng giao cho các Ban quản lý, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp quản lý và bảo vệ; diện tích còn lại được giao cho các xã và lực lượng kiểm lâm quản lý và bảo vệ. Các chủ rừng, nhất là các tổ chức lâm nghiệp đã được tập huấn kiến thức liên quan đến việc quản lý, bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép cũng giảm dần, tình trạng đốt rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được hạn chế. Số vụ cháy rừng trên địa bàn giảm mạnh. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh chỉ xảy ra 9 vụ cháy rừng và riêng trong mùa khô 2013 - 2014, không có vụ cháy rừng nào xảy ra.
Tại Gia Lai, tuy diện tích rừng hàng năm giảm, song bù vào đó là việc phát triển mạnh các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê...đã góp phần tăng độ che phủ của rừng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có hơn 100.000 ha cao su, trong đó có hơn 35.000 ha cao su được trồng từ việc chuyển đổi rừng nghèo và đang phát triển tốt, có một số diện tích đã bắt đầu cho khai thác mủ với năng suất và sản lượng cao. Toàn tỉnh cũng đã phát triển được khoảng 80.000 ha cà phê, tập trung nhiều nhất ở địa bàn các huyện vùng Tây Trường sơn như Ia Grai, Chưprông, Chư Pảh, mang Yang, Đăk Đoa...Hai loại cây trồng này không những góp phần tăng độ che phủ, chống xói mòn đất mà con mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, hàng năm công tác trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc được các tổ chức lâm nghiệp các hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tích cực thực hiện. Trong những năm qua, toàn tỉnh đã trồng được hơn 57.000 ha rừng sản xuất tập trung, ngoài ra các đơn vị lâm nghiệp còn hỗ trợ cho người dân sinh sống trong vùng rừng thực hiện việc trồng rừng trên diện tích đất đồi dốc và đạt hiệu quả cao.
Gia Lai cũng đã thực hiện thành công Đề án thí điểm hỗ trợ người dân canh tác nông - lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy giai đoàn 2010 - 2012, bước đầu đã giúp người dân ở 15 buôn làng ổn định sản xuất trên diện tích nương rẫy và đất rừng; đồng thời giúp người dân vùng dự án có cơ hội tiếp cận khoa học, kỹ thuật tiên tiến, nâng cao nhận thức về kỹ thuật canh tác cũng như những quy định của pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh cũng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm lâm luật trong xã hội như khai thác và vận chuyển gỗ trái phép, hành vi gây ra cháy rừng...Từ năm 2013, thực hiện chủ trương của Chính phủ tạm thời đóng cửa rừng trong cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng, tỉnh Gia Lai đã tiến hành sắp xếp lại các cơ sở chế biến lâm sản theo đúng quy hoạch trên cơ sở tiến hành kiểm tra, rà soát lại tất cả các cơ sở đã đăng ký hoạt động trên địa bàn và thu hồi giấy phép đối với những cơ sở chế biến trái phép hoặc có liên quan các loại gỗ từ rừng. Trước đây, toàn tỉnh có đến hơn 600 cơ sở chế biến lâm sản được thành lập, trong đó có khá nhiều cơ sở được xây dựng không đúng theo quy hoạch và hoạt động không đúng theo chức năng được cấp phép. Hàng năm, các cơ sở này tiêu thụ gỗ các nhóm với một khối lượng lớn, trong khi đó công tác quản lý còn chưa chặt chẻ và đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm nghèo vốn rừng. Qua kiểm tra, rà soát, nay trên địa bàn giảm xuống còn 256 cơ sở; trong đó có 129 doanh nghiệp, 10 Hợp tác xã và số còn lại là hộ cá thể. Các cơ sở này chủ yếu sử dụng gỗ rừng trồng để sản xuất ra các loại sản phẩm như bàn, ghế, tủ...