Tiết mục văn nghệ của Ðoàn Ninh Bình tại Liên hoan văn nghệ - thể thao quần chúng khu vực miền bắc. Ảnh: TẠ ANH
Trao đổi với tôi về những thuận lợi và thách thức của tỉnh Ninh Bình trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 9 Khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình Trần Việt Phương cho biết: "Ninh Bình là vùng đất cố đô có bề dày truyền thống lịch sử, nơi phát tích của ba triều đại Ðinh, tiền Lê và Lý, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, tinh thần đặc sắc, đã và đang được phát huy trong cuộc sống hôm nay. Trong các hoạt động của mình, ngành văn hóa Ninh Bình luôn hướng về cơ sở, góp phần phát huy các giá trị truyền thống, tạo dựng lối sống lành mạnh, tương thân, tương ái, thể hiện đạo lý của dân tộc". Cũng từ các phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đã dấy lên các cuộc vận động giúp nhau vượt khó, làm kinh tế giỏi trong các tầng lớp nhân dân, được các tổ chức đoàn thể: thanh niên, phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân hưởng ứng bằng nhiều hình thức từ nhiều năm qua.
Tuy có một số nét thành tựu như vậy, nhưng ngành văn hóa, du lịch Ninh Bình đang đứng trước không ít thách thức. Trong thời đại công nghệ thông tin, hội nhập hiện nay, cùng với các giá trị văn hóa mới được tiếp thu, đã xuất hiện cả các yếu tố phản văn hóa. Việc thiếu định hướng trong tuyên truyền, giáo dục, sử dụng in-tơ-nét và nhất là việc buông lỏng quản lý dịch vụ in-tơ-nét đã để lại hậu quả khôn lường trong việc truyền bá lối sống lai căng, các tệ nạn xã hội và kích động bạo lực ở một bộ phận xã hội và giới trẻ mà nhiều vụ án có liên quan đã cho thấy điều đó.
Là một trung tâm du lịch của vùng nam đồng bằng Bắc Bộ, sự phát triển của du lịch Ninh Bình đã mang lại việc làm cho hàng nghìn người. Tuy nhiên, sự bất cập trong quản lý cùng những ảnh hưởng xấu trong lối sống và sự đua tranh trong kinh doanh đã khiến an ninh - trật tự trên địa bàn một số huyện, thị xã, khu du lịch trọng điểm trong tỉnh không còn "thuần khiết" như trước đây. Tình trạng phạm pháp hình sự ngày một phức tạp và tinh vi. Phó Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình - Ðại tá Ðinh Quang Vinh cho biết: "Chúng tôi đã phải thường xuyên tung lực lượng để ngăn ngừa, phòng, chống và bóc gỡ các nhóm tội phạm ở các điểm du lịch". Trong đó, nhiều đối tượng trà trộn, đóng giả làm du khách để trộm cắp, cướp giật tài sản. Vì vậy, cứ vào dịp lễ hội đầu năm, lực lượng Công an tỉnh Ninh Bình rất vất vả, phải huy động đông đảo cán bộ, chiến sĩ xuống bám địa bàn.
Ở các khu du lịch đông khách, vẫn còn tình trạng các cửa hàng ăn uống nâng giá, "chặt chém" du khách. Sự xuống cấp về an ninh trật tự, các loại dịch vụ... tỷ lệ thuận với việc du khách đổ về các khu du lịch. Theo tiết lộ của chủ một nhà hàng đặc sản vào những ngày cao điểm, lượng khách các tỉnh đổ về Ninh Bình có hôm lên tới 100 nghìn người/ngày, cung không đủ cầu dẫn đến việc một số nhà hàng làm liều làm mất đi niềm tin của du khách.
Tại điểm du lịch như: đền thờ Ðinh Tiên Hoàng, Lê Ðại Hành cùng khu chùa Bái Ðính, tình trạng đeo bám để bán hàng, mời chụp ảnh khiến khách tham quan cảm thấy khó chịu khi đến đây. Chị Quỳnh Anh, một hướng dẫn viên du lịch của Công ty du lịch SR tỏ rõ sự bực bội về tệ nạn này: "Họ đi theo chúng tôi nhằng nhẵng đến năm, mười người mời chào chụp ảnh trong khi đoàn không có nhu cầu. Thậm chí, có cụ già 70 tuổi tay xách nải chuối cứ dí sát mặt du khách để mời, không mua thì cụ lại quay ra xin tiền". Ngoài ra, theo phản ánh của nhiều du khách, tình trạng người chở đò gợi ý xin thêm tiền khách ngoài tiền vé ở quần thể danh thắng Tràng An không còn là chuyện hiếm, gây phiền phức cho khách và làm giảm đi hình ảnh đẹp của khu danh thắng du lịch.
Một cán bộ văn hóa đã có thâm niên hoạt động lâu năm ở Ninh Bình cho biết: Ở các cấp từ tỉnh xuống cơ sở đều đầy đủ các thiết chế văn hóa, các đội văn nghệ... nhưng hoạt động khá hạn chế, chưa hiệu quả. Cụ thể, dự án khu quảng trường ở trung tâm TP Ninh Bình sau nhiều năm xây dựng, hiện vẫn dang dở, ngổn ngang. Ðấy là chưa kể đến việc làm hầm đường bộ không cần thiết ở khu vực quảng trường, bởi nơi này không phải là trọng điểm giao thông, thậm chí rất ít xe và người qua lại, vậy mà công trình vẫn được đầu tư với mức kinh phí hàng tỷ đồng, gây lãng phí...
Nhận thức được những khó khăn, thách thức nêu trên, các cấp lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã vào cuộc với quyết tâm tạo dựng một môi trường văn hóa, du lịch lành mạnh. Ðó cũng là giải pháp để thúc đẩy sự phát triển bền vững. Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Ðinh Văn Ðiến cho biết: "Nguyên nhân chủ yếu của những yếu kém nêu trên là do một số cấp ủy Ðảng và chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến lĩnh vực văn hóa, du lịch; công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại cơ sở chưa thật quyết liệt. Việc cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, chính sách liên quan đến văn hóa, du lịch còn chậm, thiếu đồng bộ và có trường hợp thiếu tính khả thi. Ngay việc quản lý nhà nước về văn hóa tại một số địa bàn trọng điểm như trung tâm huyện, thị xã, thành phố còn chậm đổi mới không theo kịp với sự phát triển trên địa bàn, từ đó dẫn tới buông lỏng.
Bám sát chủ trương của Ðảng về mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong giai đoạn mới, tỉnh Ninh Bình xác định xây dựng, phát triển con người với tiêu chí "Hiếu học, năng động, sáng tạo, có nhân cách, đạo đức và lối sống lành mạnh" làm trọng tâm, trong đó chú ý quan tâm xây dựng môi trường văn hóa gia đình và xã hội. Ðể đạt được tiêu chí này, các cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở cần tiếp tục bồi dưỡng tư tưởng đạo đức, lối sống văn hóa lành mạnh thông qua giáo dục thế hệ trẻ bằng các hình thức giáo dục trong gia đình, dòng họ và cộng đồng. Theo Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn Lê Thị Hoa, việc giáo dục phải bắt đầu từ chính tấm gương cha, mẹ, ông, bà trong cuộc sống hằng ngày.
Cùng quan điểm với lãnh đạo huyện Kim Sơn, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương (huyện Nho Quan) Ðinh Thúc Chiến nhấn mạnh vai trò người cao tuổi trong giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho giới trẻ. Xã Cúc Phương chủ yếu là đồng bào Mường có phong trào văn nghệ cơ sở phát triển mạnh. Ðội văn nghệ ở đây không chỉ phục vụ nhân dân địa phương mà còn mang lời ca tiếng hát phục vụ du khách để gây quỹ hoạt động. Nhờ đó, đã thu hút được lực lượng thanh niên địa phương tham gia sinh hoạt các hoạt động văn nghệ và phong trào khác, giúp nhau phát triển kinh tế. Qua các hoạt động này, nhận thức của người dân, nhất là thanh niên được nâng cao, đẩy lùi các tệ nạn xã hội trên địa bàn. Ở xã Cúc Phương, nổi bật là mô hình thanh niên tự quản hoạt động khá sôi nổi với các buổi sinh hoạt, giáo dục lối sống lành mạnh và lên án các thói hư, tật xấu còn tồn tại...
Tăng cường các hoạt động văn hóa - xã hội với nhiều nội dung thiết thực, gắn liền những chương trình an sinh xã hội sẽ góp phần đẩy lùi thói hư, tật xấu ở ngay trong mỗi gia đình, mỗi thôn, xóm, làng, bản, nhằm không ngừng phát huy các giá trị văn hóa của vùng đất cố đô văn hiến, đó là định hướng lâu dài trên con đường phát triển bền vững của Ninh Bình.