Nỗ lực cho việc bảo vệ các dòng sông tại Việt Nam

Cập nhật: 16/12/2014
Nhận thức rằng sông ngòi là tài sản vô cùng quý giá, những dòng sông trong lành mang lại nhiều nguồn lợi và cung cấp nguồn sống cho hàng triệu người dân Việt Nam cần phải được bảo vệ. Nhiều năm nay, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã nỗ lực cho việc bảo vệ cứu các dòng sông trước nguy cơ bị xâm hại, tác động.
 

 

Hội nghị thường niên của VRN năm 2014.
 

 

Được thành lập  từ năm 2005, sau gần 10 năm hoạt động, VRN đã triển khai nhiều hoạt động góp phần bảo vệ các hệ thống sinh thái và các lưu vực sông nhằm duy trì sự đa dạng sinh học cũng như sinh kế cho các cộng động trong các lưu vực hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Bên cạnh đó các hoạt động của VRN cũng đề cập đến các nghiên cứu, tham vấn vận động chính sách, phản biện, giám sát các hoạt động liên quan đến sự ảnh hưởng, tác động đến các dòng sông tại Việt Nam và lưu vực sông Mê kong. Để làm tốt được sứ mệnh của mình, ngay từ đầu VRN đã xây dựng chiến lược trọng tâm là hoạt động như một diễn đàn đa chiều; nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực thành viên, cộng đồng; Mở rộng và tăng cường liên kết, hợp tác với các bên liên quan và thực hiện vai trò giám sát, phản biện độc lập và vận động chính sách. 
   

Trong những năm gần đây, đã có hàng trăm chương trinh, dự án, hoạt động được VRN triển khai trên các địa phương được chia làm ba vùng Bắc Trung Nam. Các hoạt động của VRN đã có tác động tích cực đến môi trường, sự phát triển bền vững của tài nguyên nước, cơ chế chính sách và đề cao vai trò, lợi ích của người dân sống trong các lưu vực sông cả nước. Đặc biệt trong hai năm gần đây VRN đã cùng các nhà khoa học có những đánh giá, khảo sát về tác động của thủy điện và sự ảnh hưởng trực tiếp đến vùng hạ dụ trên lưu vực sông Mê kong. VRN đã tổ chức tham vấn, chia sẻ quá trình phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Công từ Xayaburi tới Don Sahong, phân tích, đánh giá về quy trình thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận của dự án thủy điện Xayaburi, các vấn đề đánh giá tác động môi trường của đập Don Sahong.... Bên cạnh đó, VRN cũng đã phối hợp với các tổ chức đối tác tiến hành một loạt các hoạt động tham vấn cộng đồng ở 6 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, các tổ chức đoàn thể ở Hà Nội và online trên website của VRN để thu thập ý kiến và kiến nghị của người dân về dự án đập thủy điện Don Sahong được đề xuất trên dòng chính sông Mê Công.
   

Qua các nghiên cứu của VRN cho thấy, việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính Mê Công có thể làm tuyệt diệt giống cá da trơn và các loài cá di cư khác trên sông, làm giảm nhiều loài cá đặc hữu ở vùng hạ nguồn và đe dọa mất cân bằng nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa và suy giảm hệ sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long. Những thay đổi tiêu cực này sẽ dẫn đến cuộc sống ngày càng khó khăn cho người dân đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt việc đề xuất xây dựng dự án đập thủy điện Don Sahong được đề xuất trên dòng chính sông Mê Công cần được các quốc gia liên quan xem xét cẩn trọng và kỹ lưỡng.
    
Các hoạt động của VRN đã đưa tiếng nói cộng đồng, các nhà khoa học, các tổ chức dân sự giúp cơ quan quản lý có cơ sở để đưa ra ý kiến với ủy ban sông Mê-kong. Từ những đóng góp của VRN và các kiến nghị của chính phủ Việt Nam cũng như các nước Chính phủ Lào đã đưa việc xây dựng thủy điện Don Shahong từ thông báo sang tham vấn, đánh giá tác động một cách cụ thể.
   

Tại miền trung VRN cũng đã thực hiện nghiên cứu điển hình về thủy điện và những hệ lụy đối với vùng hạ lưu. VRN đã tiến hành nhiều nghiên cứu vấn đề xả lũ lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn ở Quảng Nam. Trên cơ sở mô phỏng quá trình lũ bằng mô hình NAM và MIKE 11, một điều tra xã hội học trên thực địa lấy ý kiến của người dân sống ở hạ lưu liên quan đến tác động của sự vận hành thuỷ điện. Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu, với diện tích lưu vực sông là 10.350 km2, hiện nay trên sông Vu Gia Thu Bồn đã có 10 dự án thuỷ điện loại lớn đã vận hành với sản lượng điện phát ra hằng năm ước tính đến 4,521 tỷ kWh. Từ thực tế người dân và dự luận báo chí có ý kiến cho rằng thủy điện là một trong những nguyên nhân gây ra lũ dưới hạ lưu, VRN đã thực hiện nghiên cứu tìm hiểu vấn đề đã xảy ra trong mùa lũ tháng 11/2013 nhằm đánh giá tác động xả lũ của thủy điện sông Vu Gia - Thu Bồn đối với vùng hạ du và đề xuất kiến nghị đối với các bên liên quan các biện pháp quản lý và giảm thiểu tác động. Các nghiên cứu, đề xuất của VRN đã góp phần để cơ quan quản lý có thêm cơ sở để giảm thiểu tác động cho vùng hạ du thủy điện, VRN cũng đã đề xuất cần nghiên cứu rà soát lại việc thực hiện quy trình xã lũ, vận hành liên hồ chứa hiện nay trên cả nước một cách hợp lý.


Song song với các hoạt động trên VNR cũng đã tăng cường hoạt động của mạng lưới, hoạt động kết nối các thành viên và mở rộng đến những nhóm nhỏ cùng bảo vệ môi trường ở các lưu vực sông cả nước. Năm 2014 đã có 5 nhóm mới được lập đến từ các cơ quan quản lý, các bạn trẻ và những cộng đồng cùng thực hiện các ý tưởng bảo vệ môi trường sông. Các nhóm đã làm tốt hoạt động truyền thông tổ chức các sự kiện cũng như tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường sông cùng các cộng đồng để lại nhiều dấu ấn và đã thu hút được người dân tham gia.


Trên cơ sở, cố vấn chuyên môn của các nhà khoa học với mong muốn có được tiếng nói đa chiều, khách quan VRN đã phối hợp với các cơ quan truyền thông để tiếp cận và chuyển tải thông tin một cách khách quan về những vấn đề liên quan đến đời sống kinh tế - văn hóa, xã hội của các cộng đồng dân cư dưới tác động của các công trình thủy điện. Hoạt động truyền thông đã phản ánh tình hình thực tế về tác động của thủy điện đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng cũng như những vấn đề liên quan đến thực thi các chính sách về bảo vệ tài nguyên nước. Năm 2014, VRN đã tổ chức 2 chuyến đi thực địa cho các nhà báo, phóng viên VTV1, VTV2 ở lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, Sông Hương. Sau các đợt thực tế, các phóng viên đã có các bài phóng sự phản ánh trên báo viết và truyên hình VTV1 và VTV2. Kết quả của hoạt động đã phản ánh một góc nhìn về cuộc sống người dân dưới tác động của các công trình thủy điện, qua các phóng sự “Cuộc sống nơi thượng nguồn”, chương trình Việt Nam xanh do VTV2; các bản tin và phóng sự trên “Bản tin tài chính kinh doanh” từ ngày 17/11 đến 21/11/2014; VTV1 cũng đưa đưa tin về cuộc sống người dân tái định cư lần 2; “Hệ lụy mới của thủy điện” là tiêu đề mà tác giả báo Thanh niên đã nêu lên khi chứng kiến những tác hại đối với hạ lưu do thủy điện gây ra. Bên cạnh đó, người dân phải chuyển đổi mưu sinh bằng ngành nghề khác là cách đối phó tiêu cực, đồng thời việc sinh hoạt, sản xuất tách rời với sông nước sẽ kéo theo hệ lụy nền văn hóa.


Ngày 11/12 tại Khu du lịch Hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc), VRN đã tổ chức Hội nghị thường niên năm 2014 đánh giá hoạt động năm và xây dựng kế hoạch 2015. Tại Hội nghị các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, đại diện thành viên đã chia sẻ, thảo luận và đi đến thống nhất kế hoạch năm 2015 của VRN. Theo đó năm 2015 VNR sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động của tổ chức thành viên, điều phối vùng miền hài hòa, triển khai các hoạt động về vận động chính sách, lĩnh vực tài nguyên nước, giám sát cho các Luật liên quan đến tài nguyên nước. 
   

Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có 2360 sông có chiều dài trên 10km, cho đến những năm 80 của thế kỷ 20 các dòng sông vẫn giữ được sinh thái tự nhiên. Tuy nhiên từ nhiều năm qua việc xâm hại, tác động của nhiều yếu tố đã gây nên những tác động nghiêm trọng đến môi trường, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Bên cạnh đó nguồn tài nguyên nước của Việt Nam không được đảm bảo vì 60% lượng nước bắt nguồn từ các nước khác và đang đứng trước nguy cơ suy thoái nghiêm trọng do tác động của quá trình tăng trưởng kinh tế và tác động của biến đổi khí hậu. Các nỗ lực của VRN đã và đang từng bước góp phần hạn chế sự tác động, bảo vệ hệ sinh thái các dòng sông để phát triển bền vững.

 

Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (Vietnam Rivers Network-VRN) được thành lập năm 2005, với mục tiêu góp phần bảo vệ các hệ thống sinh thái sông và các lưu vực sông nhằm duy trì sự đa dạng sinh học cũng như sinh kế cho các cộng đồng trong các lưu vực hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. VRN là mạng lưới đầu tiên hoạt động về sông ngòi tại Việt Nam, là một diễn đàn mở cho những ai quan tâm và muốn đóng góp cho việc sử dụng và quản lý bền vững tài nguyên nước. Chiến lược của VRN dựa trên 6 nguyên tắc: tham gia và sở hữu, tự nguyện và độc lập, dân chủ và trách nhiệm, công khai và minh bạch, thực tiễn và linh hoạt, chất lượng và hiệu quả.

 

Nguồn: Tinmoitruong.vn