Bảo tồn sinh học hành lang Tiểu vùng sông Mê Kông

Cập nhật: 17/12/2014
Dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng sông Mê Kông” được triển khai ở 35 xã của 6 huyện thuộc 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
Sáng 16/12, tại TP Hội An, (Quảng Nam), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2014 và xây dựng kế hoạch thực hiện “Dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng sông Mê Kông (BCC) giai đoạn 2”. Nội dung dự án gồm 4 hợp phần: Tăng cường thể chế và cộng đồng; Phục hồi hành lang đa dạng sinh học, bảo vệ dịch vụ hệ sinh thái, quản lý bền vững bởi những người quản lý tài nguyên địa phương; Cải thiện sinh kế và hỗ trợ hạ tầng quy mô nhỏ tại các xã; Quản lý dự án và dịch vụ hỗ trợ.

 

Dự án tập trung vào 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: hoinongdan.org.vn)

 

Dự án được triển khai từ năm 2011-2019 với tổng kinh phí thực hiện là hơn 38 triệu USD, trong đó vốn vay từ ADB chiếm 78%. Mục tiêu tổng thể của dự án BCC là các hệ sinh thái rừng phát triển bền vững và thích ứng với khí hậu ở Trung Trường Sơn mang lại lợi ích cho đời sống địa phương và những người sử dụng ở hạ lưu. Bên cạnh đó, dự án còn giúp tăng cường năng lực cho các cấp tỉnh, huyện và xã ở vùng dự án trong việc quy hoạch hành lang đa dạng sinh học.

Tính đến thời điểm này, dự án đã giải ngân được 21 tỷ đồng, trong đó vốn vay của ADB là 18 tỷ đồng còn lại là vốn đối ứng địa phương. Hoạt động quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) tính đến tháng 8/2014, có 33/35 xã hoàn thành hồ sơ QHSDĐ, đạt 94% theo kế hoạch. Trong đó, hồ sơ QHSDĐ đã hoàn thành 100% (đã được UBND huyện ra quyết định phê duyệt) là 16/35 xã, đạt 45,7%.

Các hoạt động trồng rừng và quản lý rừng cộng đồng đã đạt những kết quả bước đầu. Trong năm 2014, Quảng Trị đã trồng khôi phục rừng được 170ha và trồng làm giàu rừng 80ha. Quảng Nam đã hoàn thành 50 ha phục hồi rừng và trồng làm giàu rừng 100ha. Thừa Thiên Huế đã thực hiện trồng mới phục hồi rừng 17,7ha và trồng làm giàu rừng 50ha. Qua đó, dự án tăng cường và hỗ trợ việc tạo thêm thu nhập cho người nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số vùng sâu và vùng xa.

Tuy nhiên, theo đánh giá, đến nay dự  án đang bị cảnh báo do tiến độ thực hiện chậm, chỉ đạt 7% mục tiêu đề ra trong khi đã hết 30% thời gian thực hiện.

Dự án có nguy cơ không đạt được mục tiêu trước ngày đóng khoản vay vào ngày 30/9/2019. Việc chậm tiến độ cũng đồng nghĩa với việc đại diện cơ quan thường trú ADB tại Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cân nhắc nguy cơ rủi ro ngừng toàn bộ hoặc một bộ phận của dự án. Để tránh nguy cơ trên và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, các bên đã thống nhất và cam kết thực hiện một số kế hoạch tăng tốc trong 6 tháng (9/2014-2/2015)

Tại Hội nghị, các địa phương triển khai dự án đã cùng nhau thảo luận, tìm ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu trong thời gian tới.

 

Nguồn: ThienNhien.Net