Ảnh: Vnexpress.net
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TNMT) ngày 26/12 công bố việc phát hiện một hệ thống hang động núi lửa độc đáo tại khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.
Hang động núi lửa đá bazan độc đáo hiếm có
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, từ đề tài “Nghiên cứu di sản địa chất để xây dựng công viên địa chất và bảo vệ môi trường khu vực thác Trinh Nữ, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông” do UNESCO tài trợ năm 2007, Bảo tàng Địa chất Việt Nam lần đầu tiên phát hiện hệ thống hang động trong đá bazan tại huyện Krông Nô.
Với sự giúp đỡ của các chuyên gia hang động Nhật Bản, đoàn khảo sát đã khám phá ra hàng chục hang động trong đá bazan rất độc đáo nằm dọc theo sông Sêrêpốk. Hiện tại đã khảo sát được 3 hang động, trong đó có một hang núi lửa dạng ống có chiều dài lớn nhất Đông Nam Á (1.066m). Trong hang đã phát hiện được nhiều cấu trúc đặc trưng cho quá trình phun trào như: Các ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt, các di tích thực vật được hình thành cách đây hàng triệu năm.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có hệ thống hang động rất phong phú trải dài từ khu vực Tây Bắc đến Quảng Bình, tạo nên nhiều kỳ quan thiên nhiên được thế giới biết đến như Phong Nha-Kẻ Bàng, vịnh Hạ Long, Tam Cốc-Bích Động. Tuy nhiên, hang động núi lửa trong đá bazan vừa được phát hiện ở Đắk Nông là một hệ thống hang động độc đáo, hiếm gặp.
Đồng tình với quan điểm này, ông La Thế Phúc, Giám đốc Bảo tàng Địa chất cho biết, thực tế hệ thống hang động trong đá bazan chỉ là một trong số rất nhiều các di sản trong quẩn thể di sản (về địa chất, thiên nhiên và văn hóa) có giá trị của khu vực Krông Nô đang rất cần được nghiên cứu xác lập đầy đủ, đánh giá một cách khoa học và hệ thống, nhằm mục đích bảo tồn và phục vụ phát triển bền vững kinh tế, xã hội.
Tiềm năng lớn về du lịch
Ông Nguyễn Văn Thuấn nhận định, hệ thống hang động núi lửa trên thế giới không nhiều và rất có giá trị về du lịch.
Còn theo ông La Văn Phúc, Giám đốc Bảo tàng Địa chất, với việc phát hiện hệ thống hang động núi lửa độc đáo này và những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể sẵn có như Cồng chiêng Tây Nguyên, Đường mòn Hồ Chí Minh, các di tích quốc gia và cấp tỉnh, khu vực Krông Nô có tiềm năng rất phong phú về di sản văn hóa, thiên nhiên và hội tụ đầy đủ các tiêu chí để thành lập công viên địa chất.
Đồng thời, với những giá trị đã khám phá tại Đắk Nông, Tây Nguyên có tiềm năng để trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà khoa học, khách du lịch, những người muốn khám phá di sản của hoạt động phun trào núi lửa hiếm thấy nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Một chuyên gia địa chất Nhật Bản đã gợi ý Việt Nam nên học hỏi các kinh nghiệm trong hoạt động du lịch tại núi lửa Phú Sĩ, Nhật Bản để có thể vận dụng trong việc phát triển du lịch tại khu vực này. Thêm vào đó, cũng nên kết nối địa điểm này với các di sản địa chất khác trong vùng để tạo ra những tour, tuyến mới hấp dẫn du khách.
Với những kết quả ban đầu đạt được, hệ thống hang động quý hiếm vừa được phát hiện tại Đắk Nông cần tiếp tục được điều tra, khảo sát, quy hoạch và lập thủ tục hồ sơ bảo tồn, khai thác di sản địa chất đúng cách, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cho toàn vùng.
Ông Trần Phương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông nói rằng hệ thống hang động núi lửa này không chỉ là tài sản quý giá của Đắk Nông mà là tài sản chung của đất nước. Để khai thác thế mạnh về tiềm năng di sản địa chất khu vực trên, tỉnh Đắk Nông đã thống nhất chủ trương, giao Sở VHTT&DL phối hợp với Bảo tàng Địa chất triển khai đề án “Điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông”, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để thực hiện xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô cấp quốc gia, hướng đến đề nghị UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.
Đồng thời, Đắk Nông cũng đã bổ sung hệ thống hang động khu vực Krông Nô vào Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Đắk Nông giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 để các địa phương thống nhất quản lý có hiệu quả, cũng như kêu gọi các nhà đầu tư khai thác phát triển du lịch.
Hiện tại, công tác nghiên cứu, khảo sát tại các hang động này vẫn được các nhà khoa học tiếp tục tiến hành.