Thôn Hậu, xã Liên Chung - cái nôi gìn giữ làn điệu hát ống, hát ví giờ đã có nhiều thay đổi. Nhà văn hóa khang trang vừa được khánh thành, gần đó là khu họp chợ của nhân dân địa phương. Xa hơn chút nữa là di tích đền Dành, chùa Không Bụt…Có lẽ chính nhờ có bề dày văn hóa truyền thống với hàng loạt các di tích LSVH đặc sắc mà thôn Hậu đã lưu giữ được vốn quí về hát ống, hát ví từng có một thời khá phát triển ở đây và các vùng quê khác.
Gặp lại bà Nguyễn Thị Khéo - một trong những nghệ nhân tiêu biểu của CLB hát ống, hát ví Liên Chung, không giống như lần đầu mới gặp, lần này bà Khéo cởi mở, thân mật hơn. Tôi vốn học hết lớp 7 rồi ở nhà tham gia thanh niên, làm xã viên HTX, khi đó hát ống, hát ví vẫn còn thịnh. Bà Khéo kể. Do có chút năng khiếu về văn nghệ nên khi đang học phổ thông bà Khéo luôn được chúng bạn bầu làm Quản ca, khi về tham gia lao động sản xuất bà là hạt nhân văn nghệ của làng xã. Thanh niên ngày đó hay hát ví, hát ống nên bà Khéo trở thành một trong những cây ví, cây ống không thể thiếu được. Cũng rất tự nhiên, từ câu chuyện kể, bà Khéo ngân nga: Mùa xuân trảy hội Đền Dành, Gặp nhau xa lạ trở thành thân quen, Hội Dành mười chín tháng giêng, Tiếng đồn nức nở, linh thiêng khắp vùng, Nhiều cô đến khấn được chồng, Nhiều chị đến khấn được hồng trên tay, Núi Dành đây cảnh tuyệt vời, Rừng xanh bát ngát núi đồi thông reo…
Theo bà Khéo hiện riêng bà đã sưu tầm được vài chục bài, với hàng chục lời hát cổ để phổ biến rộng rãi trong thành viên CLB và đang chắp bút sáng tác được 5 bài lời mới. Ngoài nội dung hình thức hát khi khách đến chơi nhà, hay những tiệc vui để mời nhau xơi trầu, uống nước, mời rượu, mời cơm, hát ví còn được đưa vào sử dụng trong giao tiếp với khách xa gần để làm quen, kết bạn và ca ngợi giới thiệu về danh lam thắng cảnh núi Dành, các lễ hội làng hay ca ngợi về các ngày truyền thống khác và cũng có thể sáng tác lời mới phục vụ cho việc tuyên truyền khác khi địa phương có nhu cầu. Từ ngày có CLB hát ví, hát ống, bà Khéo vừa là thành viên tham gia biểu diễn, vừa là người đứng ra tổ chức các lớp dạy hát cho những người yêu thích thể loại này, trong đó có khá nhiều học sinh.
Ông Dương Minh Hiểu - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Chung cho biết: Nhằm gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này, UBND xã Liên Chung, với sự giúp đỡ của cơ quan chuyên môn huyện tháng 4 năm 2012 đã thành lập CLB hát ống, hát ví với 30 thành viên, nay tăng lên thành 32 hội viên. Cái khó của loại hình nghệ thuật này là do mai một gần nửa thế kỷ nên người biết hát đếm trên đầu ngón tay. Lời hát cũng rơi rụng khá nhiều. Những nghệ nhân như bà Khéo giờ là vốn quí. Trong tiến trình khôi phục lại làn điệu hát ống, hát ví, Liên Chung thu thập những lời ca lời hát cổ và biên soạn những lời hát mới để đóng thành quyển, sau đó giới thiệu cho các em học sinh trong hoạt động ngoại khóa. Đối với CLB hát ống, hát ví, UBND xã cũng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu loại hình nghệ thuật này với công chúng. CLB đã tham gia các hoạt động biểu diễn làn điệu hát ví, hát ống trong Hội đền Dành hàng năm, trong các cuộc Liên hoan văn nghệ do xã, huyện và tỉnh tổ chức, đi hội diễn trong Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang; làng văn hoá các Dân tộc Việt Nam…Ông Hiểu cho biết thêm: Cũng nhờ các loại hình báo chí của địa phương và cả TW vào cuộc, viết bài giới thiệu, ghi hình, làm phóng sự, do đó giờ đã có khá nhiều người biết tới vốn hát ví, hát ống và miền đất Liên Chung này. Trong Đề án xây dựng Khu du lịch sinh thái và tâm linh núi Dành của huyện Tân Yên, vốn hát ví, hát ống được những người làm công tác chuyên môn coi trọng và coi đó là phần không thể thiếu.
Trong những năm với sự trở lại của loại hình nghệ thuật đã bị quên hơn nửa thế kỷ, có lẽ chưa thể nói nhiều, nói mạnh. Nhưng cứ nhìn những gương mặt tươi vui phấn chấn của bà Khéo, của ông Hiểu và của các thành viên trong CLB mỗi khi cất lời ca, khi bước lên sàn diễn cũng có thể cảm nhận họ đang cố gắng làm tất cả để duy trì và khôi phục lại vốn văn hóa cổ quí giá của miền quê này. Hỡi cô thắt cái bao xanh/Có về làng Hậu với anh thì về/Làng Hậu có gốc cây đề/Có sông tắm mát, có nghề làm ăn… Lời hát vương vít theo chúng tôi khi tạm biệt làng Hậu./.