Hướng đến một môi trường du lịch nhân văn

Cập nhật: 05/01/2015
Vào những ngày cuối cùng của năm 2014, vị khách du lịch quốc tế thứ ba triệu đặt chân đến Hà Nội. Con số ba triệu khách du lịch quốc tế và gần 48 nghìn tỷ đồng doanh thu từ du lịch đánh dấu bước phát triển mới trong sự phát triển của ngành du lịch Thủ đô. Vậy là, Thành phố đã sớm vượt nhiều mục tiêu mà quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đề ra. Nhưng để sự phát triển này thật sự bền vững, cần khai thác tốt các tài nguyên du lịch, nhất là xây dựng một môi trường du lịch nhân văn.
 

Vượt mục tiêu trong khó khăn

Khi bà Pa-pa-giô-lu Ê-la-ni được lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội trao quà kỷ niệm là bức tranh Khuê Văn Các bằng đồng, những tràng pháo tay râm ran không dứt. Vị khách đến từ Hy Lạp này là người nước ngoài thứ ba triệu đặt chân đến Hà Nội trong năm 2014. Một con số thật sự gây ngạc nhiên nếu biết rằng, chỉ cách đây ba năm, tổng số khách du lịch đến với Hà Nội mới gần được 1,9 triệu lượt. Càng ngạc nhiên hơn khi điều đó diễn ra trong bối cảnh khó khăn chung của du lịch thế giới. Năm 2014, nhiều quốc gia thuộc thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Theo các chuyên gia, khi ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế còn khá nặng nề, một trong những ưu tiên cắt giảm chi tiêu của người dân là du lịch. Điều đó khiến những năm qua, du lịch thế giới luôn trong tình trạng trầm lắng. Những gì diễn ra trong năm
2014 cũng không thuận lợi với ngành du lịch Thủ đô. Trên thế giới, đại dịch Ê-bô-la diễn biến phức tạp ở khu vực Bắc Phi, ảnh hưởng đến tâm lý khi đi du lịch của nhiều người. Ở trong nước, tại những khu du lịch trọng điểm như phố cổ Hà Nội, chùa Hương, làng gốm Bát Tràng..., vẫn còn những phàn nàn về môi trường mất vệ sinh, nạn chèo kéo, "chặt chém" khách du lịch... Nhưng thành phố đã từng bước tháo gỡ khó khăn và ngành du lịch Hà Nội đã thực hiện một cuộc "ngược dòng" ngoạn mục.

Từ lâu, Hà Nội được biết đến là địa chỉ của du lịch văn hóa. Cùng với những địa chỉ, những "gói" sản phẩm du lịch nổi tiếng như: tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, làng cổ Đường Lâm, lễ hội chùa Hương, các hoạt động trong Khu phố cổ, du lịch làng nghề, văn hóa ẩm thực..., trong năm 2014, thế mạnh này tiếp tục được nhân lên bằng việc mở rộng không gian của khu phố đi bộ sang sáu tuyến phố mới, gồm: Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Đào Duy Từ. Nhiều nét văn hóa ẩm thực truyền thống được giới thiệu tại sáu tuyến phố đi bộ này. Nhưng điểm nhấn thu hút khách du lịch nhất chính là hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Các tuyến phố Lương Ngọc Quyến, Mã Mây... trở thành sân khấu của những màn trình diễn nhạc cụ dân tộc như sáo trúc, đàn bầu... Một loại hình diễn xướng vốn xuất hiện trong thờ Mẫu là hát văn cũng được giới thiệu đến công chúng. Không gian đền Quán Đế (28 phố Hàng Buồm) được biến thành sân khấu hát xẩm. Những nét văn hóa nhanh chóng thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.

Đối với du lịch làng nghề, thành phố đã tổ chức Liên hoan Du lịch làng nghề 2014 (dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10-10), tạo cơ hội quảng bá sản phẩm làng nghề, tạo "sân chơi" để khối doanh nghiệp lữ hành liên kết chặt chẽ hơn với khối doanh nghiệp tại làng nghề. Thành phố đã lựa chọn những làng nghề trọng điểm để đầu tư đồng bộ. Chương trình phát triển làng nghề kết hợp du lịch từ cuối năm 2012 đến 2015 đã lựa chọn ra 20 làng nghề giàu tiềm năng. Trong đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, xử lý rác thải, khu trưng bày làng nghề... để khai thác du lịch tại sáu làng nghề trọng điểm gồm: Mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), gốm sứ Bát Tràng-Kim Lan (huyện Gia Lâm), dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), sơn khảm Ngọ Hạ (huyện Phú Xuyên), điêu khắc Dư Dự (huyện Thanh Oai). Từ việc đầu tư có trọng điểm, thành phố có thêm nhiều sản phẩm du lịch làng nghề thú vị.

Những năm qua xảy ra khá nhiều vụ khách du lịch bị bắt chẹt về giá cả. Những vụ việc bị phát hiện đều được xử lý nghiêm minh. Cùng với sự vào cuộc tích cực của lực lượng an ninh, tháng 7-2013, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội đã thành lập Bộ phận Hỗ trợ du lịch. Ngoài văn phòng chính đóng ngay tại Khu phố cổ Hà Nội, Bộ phận Hỗ trợ du lịch, các quầy thông tin du lịch ở nhiều địa điểm cũng thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận thông tin, trực điện thoại 24/24 giờ để tiếp nhận mọi phản ánh khách du lịch, phối hợp các lực lượng chức năng thuộc ngành công an, giao thông vận tải, chính quyền địa phương xử lý kịp thời. Chính nhờ sự tích cực này, khách du lịch trong nước, quốc tế cảm thấy yên tâm khi đến với Thủ đô. Những tháng cuối năm 2014, hầu như có rất ít trường hợp khách du lịch phản ánh về các tiêu cực gặp phải. Năm 2014, Hà Nội nhiều lần được các tạp chí, các diễn đàn danh tiếng như: TripAdvisor, Smart Travel Asia... bình chọn là một trong những điểm đến tốt nhất châu Á cũng như thế giới.

Xây dựng môi trường nhân văn

Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2015, Hà Nội đón 2,5 triệu khách du lịch quốc tế, 14,2 triệu lượt khách nội địa; đến năm 2020 đón 3,2 triệu lượt khách quốc tế và 20 triệu khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt hơn 43 nghìn tỷ đồng. Nhưng ngay trong năm 2014, thành phố đã vượt mục tiêu của năm 2015 về số lượng khách (ba triệu lượt khách quốc tế, 15,5 triệu lượt khách nội địa), vượt mục tiêu của năm 2020 về doanh thu, với 48 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, để sự phát triển này mang tính bền vững, vẫn còn nhiều thách thức, nhất là khi du lịch là ngành kinh tế đa ngành, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hiện nay, nhiều di sản chưa phát huy được hết thế mạnh. Nạn rác thải ở các điểm du lịch, môi trường làng nghề vẫn còn nan giải. Tình trạng "chặt chém" khách du lịch giảm, nhưng nạn chèo kéo vẫn khá phổ biến. Những vấn đề nêu trên không phải trách nhiệm riêng của một ngành mà cần nỗ lực của nhiều ngành cũng như cả cộng đồng. Theo đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, thành phố tiếp tục lấy du lịch di sản làm nền tảng. Trong đó, chú trọng "làm mới" các hoạt động khai thác du lịch tại các điểm du lịch quan trọng như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Hoàng thành Thăng Long... để thu hút khách tham quan; nâng cao chất lượng dịch vụ. Đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường du lịch nhân văn. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: "Môi trường du lịch chính là những hình ảnh mà người khách nhìn thấy khi đến với một địa điểm nào đó. Hà Nội đang phấn đấu xây dựng cảnh quan sạch đẹp bằng việc thực hiện Năm trật tự, văn minh đô thị 2014, và tiếp tục triển khai nhiệm vụ này trong năm 2015. Môi trường nhân văn chính là những nếp ứng xử của cộng đồng dân cư đối với khách tham quan. Bên cạnh các biện pháp xử lý sai phạm, thành phố đang thực hiện thông qua các chương trình giáo dục cộng đồng, trong đó, nổi bật nhất là đã xây dựng và chuẩn bị triển khai bộ Quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, nơi công cộng. Bộ quy tắc này được triển khai sẽ góp phần xây dựng thành phố thanh lịch, văn minh và thân thiện với mọi đối tượng. Đây sẽ là những yếu tố giúp du lịch thành phố có thể phát triển bền vững".

 

Nguồn: nhandan.org.vn