Đây là một trong các hoạt động chuẩn bị cho việc xây dựng Hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam” đề nghị UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tại Hội thảo có 22 tham luận của các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước về nghệ thuật Bài chòi dân gian Việt Nam. Các tham luận tập trung vào những nội dung chính như: Nghệ thuật biểu diễn hô bài thai, bài chòi trải chiếu, bài chòi dạo của anh hiệu, chị hiệu; Tính văn học và âm nhạc trong nghệ thuật hô bài thai và nghệ thuật độc diễn bài chòi; Các biện pháp đã và sẽ thực hiện để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản Bài Chòi; Bước đầu so sánh giữa nghệ thuật bài chòi và các hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới…Bên cạnh đó là các ý kiến trao đổi của các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa đại diện cho 9 tỉnh, thành phố trong khu vực duyên hải miền Trung (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa) có di sản bài chòi về hiện trạng, các biện pháp bảo vệ và phát huy di sản.
Hội thảo khoa học Quốc tế "Nghệ thuật bài chòi dân gian Việt Nam và những hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới" là dịp để giới thiệu di sản Bài chòi của Việt Nam đến với giới khoa học Quốc tế, là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể tương đồng ở các nước trên thế giới hiện nay đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra những nhận định, đánh giá xác đáng và khoa học để xây dựng chương trình hành động bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung.
Nghệ thuật Bài Chòi là một sản phẩm văn hóa độc đáo của vùng đất miền Trung. Trải qua nhiều sự thay đổi của lịch sử, xã hội đến nay Nghệ thuật Bài Chòi vẫn là một trong những loại hình dân gian độc đáo không thể thiếu trong các lễ hội của người dân miền Trung. Bên cạnh những giá trị về văn hóa, nghệ thuật, hát bài chòi còn mang đậm tính nhân văn, tính giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước, yêu con người...