Hà Tĩnh: Phát hiện tường thành cổ thời Lê Lợi

Cập nhật: 20/01/2015
Trong quá trình điền dã, khảo cứu các di sản văn hóa vật thể trên địa bàn huyện miền núi Hương Sơn, Bảo tàng Hà Tĩnh đã phát hiện đoạn tường thành cổ dài gần 300m, được cho là thuộc thời vua Lê Lợi.
 


Đoạn tường thành cổ vừa phát lộ tại khu vực núi Chuối, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh
 

Vị trí đoạn thành cổ nằm trong khu vực núi Chuối về phía Đông Bắc, lưng chừng dãy núi Thiên Nhẫn, thuộc địa giới xã Sơn Tiến, cách động Tiên Hoa gần 2km.
 

Theo nhận định ban đầu, đây là hệ thống thành lũy phòng thủ do danh tướng Nguyễn Tuấn Thiện chỉ huy, xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1418 – 1425 nhằm bảo vệ căn cứ Đỗ Gia của nghĩa quân Lam Sơn trong kháng chiến chống quân Minh.


Đoạn thành cổ cao 2,5m, rộng 0,85m, được xây cất với bên ngoài ghép đá, phía trong đắp đất; đá xây thành là những phiến đá tự nhiên được ghép chồng lên nhau. Một số đoạn được người xưa tận dụng các khối đá tự nhiên để làm tường, số khác nằm phía dưới chân núi Chuối đã bị cư dân khai thác đá nên chỉ còn lại tường đất.


Trong thời gian tới, Bảo tàng Hà Tĩnh sẽ tiếp tục khảo sát nghiên cứu tổng thể hệ thống thành luỹ cổ thời Lê và các dấu tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên địa bàn huyện Hương Sơn để phục vụ cho công tác nghiên cứu.


Việc phát hiện thành cổ thời Lê và những địa điểm dấu tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là vô cùng quý giá, giúp các nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá làm sáng tỏ thêm những giá trị lịch sử của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và vùng đất này trong quá trình lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc./.

 

Nguồn: Cinet.vn