Năm 2015, tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội. Ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: tỉnh tập trung vào khâu then chốt là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục đầu tư, xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và cung cấp dịch vụ công. Xác định trách nhiệm cá nhân, nhất là cá nhân người đứng đầu, tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm tăng tính công khai, minh bạch và tạo sự chuyển biến một cách rõ rệt trong thực thi chức trách nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch, tỉnh cương quyết thu hồi dự án đối với trường hợp nhà đầu tư thiếu tích cực trong đầu tư và thực hiện nghĩa vụ dự án, nhất là các dự án ở khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Trong năm 2015, Thừa Thiên - Huế tập trung cho các dự án giao thông quan trọng: nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Chí Thanh (nối thành phố Huế - Quảng Điền), đường Điện Biên Phủ, chỉnh trang cửa ngõ phía Bắc, đường du lịch cụm điểm di tích Lăng Minh Mạng - Lăng Gia Long, đường vào Điện Hòn Chén… Hoàn thành đúng tiến độ các dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Ngọ Môn - Hoàng Thành (giai đoạn 1); đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp mở rộng cảng cá Thuận An, hệ thống đê nội đồng Ngũ Điền, nâng cấp đê Tây phá Tam Giang, hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, khu kinh tế hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư - đô thị mới An Vân Dương...
Khách du lịch nước ngoài tham quan Di tích cố đô Huế.
Để xây dựng thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, các tour du lịch làng quê, làng nghề; nghiên cứu thay đổi mô hình quản lý, phát triển các điểm đến tham quan di sản trên địa bàn, tăng cường hiệu quả khai thác, sử dụng; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch, văn hóa Huế gắn thành phố Festival, thành phố bền vững môi trường ASEAN. Tỉnh cũng ưu tiên đầu tư vào các dự án bảo tồn đa dạng sinh học và tái sử dụng các dịch vụ hệ sinh thái, đồng thời hướng đến việc bảo tồn tối đa các giá trị vốn có của môi trường tự nhiên, hướng đến phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh để phát huy giá trị di tích, thu hút khách tham quan.
Có thể nhận thấy, thành phố Huế đang là một điểm đến xanh tự nhiên, đầy ấn tượng. Diện tích đất cây xanh ở Huế (công viên, đường phố, thảm cỏ) đã đạt 18,5 m2/người (chưa tính cây xanh trong vườn nhà dân, đất vườn ươm, cây công sở, cây xanh trong hệ thống di tích, rừng cảnh quan). Thú vị nhất ở Huế là hiện còn khoảng 750 ngôi nhà vườn với hệ thống cây xanh bao phủ, có giá trị cả về văn hóa và lịch sử. Bên cạnh đó, thành phố Huế đang triển khai dự án cải thiện môi trường nước với tổng mức đầu tư 24 tỷ Yên, tương đương khoảng 3.170 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Dự kiến có khoảng 400 ngàn người dân sống trên địa bàn thành phố Huế sẽ được hưởng lợi từ những cải thiện về hệ thống thoát nước và xử lý nước thải này trong năm 2015...
Thành phố Huế trên đà phát triển.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức đón du khách thứ 30 triệu tham quan di tích Huế. Chỉ riêng năm 2014, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã đón hơn 2,2 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan tại khu di sản Huế; doanh thu từ vé tham quan đạt hơn 139 tỷ đồng, đạt 111,2% kế hoạch, riêng thu từ dịch vụ tại di tích Huế cũng xấp xỉ 20 tỷ đồng, đạt gần 200% kế hoạch giao.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, ông Phan Thanh Hải cho biết: Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã bảo tồn, trùng tu và phục hồi 22 hạng mục công trình di tích và hạ tầng phục vụ di tích, đẩy mạnh công tác chỉnh trang cảnh quan môi trường gắn liền với di tích, phối hợp với một số đối tác tổ chức thêm một số hình thức dịch vụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách đến Huế. Năm 2015, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tiếp tục thực hiện bốn “Tuần lễ vàng du lịch” tại di sản Huế với những ưu đãi lớn, nhằm hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu đón đạt từ 3,1 - 3,3 triệu lượt khách du lịch; trong đó có 1,2 triệu lượt khách du lịch quốc tế; doanh thu du lịch chiếm từ 56 - 57% GDP của toàn tỉnh.
Năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, Thừa Thiên - Huế tiếp tục phát huy tiềm năng, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, đa dạng để phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Dự báo, toàn tỉnh sẽ có 10/16 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015; tổng sản phẩm bình quân/người đạt 2.300 USD, tổng đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2015 đạt từ 18 - 20 nghìn tỷ/năm, thu ngân sách nhà nước 6.000 tỷ đồng...