Xu hướng du lịch đầu xuân: Thưởng ngoạn lễ hội gắn với danh thắng thiên nhiên

Cập nhật: 26/02/2015
Trong dịp đầu xuân mới, du khách thường lựa chọn các tua du lịch gắn với lễ hội, văn hóa tâm linh để vừa tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử, vừa cầu mong một năm may mắn, bình an và thành công.

 

Đầu xuân Ất Mùi năm nay, hầu hết các hãng lữ hành phía Bắc và Hải Phòng tổ chức các tua du lịch văn hóa tâm linh gắn với các danh thắng thiên nhiên nổi tiếng như Hạ Long, Cát Bà, Tràng An, Huế, Đà Nẵng… Bên cạnh đó, nhiều người dân chọn xuất ngoại đầu năm với ước vọng vươn xa và có được cảm giác mới lạ giữa tiết xuân.

 

Ưu tiên tua trong nước

 

Du lịch văn hóa tâm linh đang trở thành nhu cầu tất yếu của đông đảo người dân vào dịp xuân sang. Đón được xu thế đó, trong sự khó khăn về kinh tế, tài chính của người dân, các doanh nghiệp lữ hành không còn cách nào khác là nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời gia tăng các chương trình khuyến mại.
 

 

Dịp Tết Ất Mùi năm nay được nghỉ 9 ngày liên tục là cơ hội để các gia đình và mỗi người dân du xuân khá thoải mái. Điểm đến chủ yếu tập trung đền, chùa nổi tiếng với các tua truyền thống như đi Yên Tử, chùa Hương, chùa Bái Đính, đền Bà chúa Kho, đền ông Hoàng Mười,… Theo tổng hợp của các hãng lữ hành trên địa bàn thành phố: lượng khách đăng ký tua lễ hội đầu xuân năm nay tăng khoảng 20 đến 30% so với năm 2014. Với Vietravel chi nhánh Hải Phòng, có hàng nghìn lượt khách đăng ký tua du xuân trong và ngoài nước. Với tua trong nước, theo các hãng lữ hành trên địa bàn thành phố, lượng khách thành phố đăng ký du xuân chủ yếu tập trung tua nội địa với các điểm đến gần, đi ngắn ngày với các lễ hội truyền thống, cầu tài, cầu lộc đầu năm. Năm nay, du khách đăng ký đi tua đến quần thể danh thắng Tràng An- chùa Bái Đính tăng đột biến. Đây là quần thể vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa- thiên nhiên thế giới đầu tiên ở Việt Nam, là lý do khiến thương hiệu du lịch văn hóa, tâm linh gắn với thiên nhiên ở Tràng An được khẳng định và trở nên rất nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả đối với khách quốc tế.
 

 

Với các doanh nghiệp lớn và uy tín như Vietravel chi nhánh Hải Phòng, Saigontourist chi nhánh Hải Phòng, Du lịch Hải Phong, Thiện Nguyện, Du lịch dịch vụ Dầu khí…, việc duy trì và nâng cao chất lượng tua là điều tất yếu. Giám đốc chi nhánh Vietravel Hải Phòng Nguyễn Thị Hà cho rằng, việc thu hút được khoảng vài nghìn lượt khách đăng ký tua du xuân như đơn vị là không dễ dàng, điều đó cho thấy niềm tin của khách và chất lượng phục vụ du khách của hãng được khẳng định từ nhiều năm qua.

 
 

Nhiều điểm đến mới ở Hải Phòng

 

Là người nhiều năm gắn bó, lăn lộn với tổ chức tua ở Hải Phòng, Giám đốc Công ty CP Du lịch Hải Phong HP tour Nguyễn Thị Thanh Hoa cho biết, khách du lịch nước ngoài đến Hải Phòng dịp đầu năm 2015 tăng ở đối tượng khách tàu biển cao cấp quốc tế. Từ đầu năm 2015, có 6 chuyến tàu biển quốc tế đến Hải Phòng trong dịp trước Tết nguyên đán là tín hiệu rất vui cho du lịch Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung về sức hút đối với khách quốc tế. Bà Lưu cho biết, ngày 17-2, tức 29 tháng Chạp Giáp Ngọ, hơn 100 khách quốc tế từ tàu biển Star Pride tới Hải Phòng lần thứ 6 trong năm 2015, trong đó các điểm đến du xuân ở Hải Phòng như Quán Hoa, Dải trung tâm, nhà Kèn… được du khách lựa chọn để cảm nhận Tết Việt và những nét văn hóa truyền thống của người Hải Phòng.

 


Hải Phòng bước vào Xuân Ất Mùi 2015 với nhiều thay đổi lớn về hạ tầng, bộ mặt đô thị. Một số điểm du lịch ở Hải Phòng như đền Bà Đế, tháp Tường Long- chùa Tháp; chùa Hàng, đình Kênh, đền thờ Trần Hưng Đạo ở Thủy Nguyên… là những điểm du xuân, văn hóa tâm linh hấp dẫn. Tuy nhiên, lượng khách đến dù rất đông, tăng khoảng 15% so với đầu xuân năm 2014, nhưng vẫn mang tính tự phát nhiều hơn và tập trung đi lễ trong vòng một ngày. Trong dịp du lịch đầu xuân này, du khách đến Hải Phòng ngoài tìm hiểu các điểm du lịch văn hóa tâm linh quen thuộc ở Đồ Sơn, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, nội thành Hải Phòng còn được thấy những hình ảnh mới lạ. Trong đó phải kể đến khu đường Lê Hồng Phong được trang trí hệ thống ánh sáng điện màu với các hình biểu tượng cánh hoa phượng, chim hải âu, nón lá, nốt nhạc cách điệu và cánh sóng. Đến Đồ Sơn, ngoài các điểm đền Bà Đế, lễ hội đảo Dấu, du khách không nên bỏ qua tháp Tường Long 9 tầng địa danh nổi tiếng, vừa được hoàn chỉnh phần thô.  Cùng với chùa Tháp đã hoàn thành, công trình tháp Tường Long và móng tháp được bảo tồn trở thành quần thể du lịch tuyệt vời trong dịp xuân. Nhiều du khách, nhất là khách nước ngoài lại chọn du xuân ở Cát Bà với nhiều điểm văn hóa tâm linh ở Trân Châu, Hoàng Châu, thị trấn Cát Bà, Cát Hải. Không gian và cảnh đẹp thiên nhiên trong tiết xuân ở Cát Bà luôn mê hoặc du khách với các điểm đến Lan Hạ, Vườn Quốc gia, hệ thống hang động, bãi cát trắng mịn…

 
 

Thực hiện chủ trương kích cầu du lịch trong nước của Tổng cục Du lịch Việt Nam và với xu hướng giá xăng dầu giảm, theo các hãng lữ hành trên địa bàn thành phố, giá tua cả trong nước và ngoài nước trong dịp xuân này giảm từ 15 đến 20%. Nhưng điều quan trọng hơn, nhất là với các hãng du lịch uy tín, vẫn là việc bảo đảm chất lượng dịch vụ trong bối cảnh du xuân luôn đông đúc và khó khăn về chỗ ăn, ở, để bảo đảm phòng nghỉ tiện nghi, chỗ ăn uống sạch sẽ, ngon và nhất là thái độ phục vụ chu đáo. Mặt khác, các hãng lữ hành vẫn bảo đảm xe tốt, theo phương châm “khách hàng là thượng đế” khi tổ chức tua du xuân cho du khách. Đây cũng là nỗ lực không nhỏ theo hướng phát triển bền vững để tạo uy tín, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp gắn với thương hiệu du lịch, điểm đến.

 

Phạm Lượng

 

 

Nguồn: baohaiphong.com.vn