Lễ hội, cần gạn đục để khơi trong

Cập nhật: 26/03/2015
Bắt đầu mỗi mùa xuân là bắt đầu một mùa lễ hội và cũng bắt đầu xuất hiện dày đặc trên các trang báo về những điều được và chưa được của lễ hội. Tiếng nói ủng hộ cũng nhiều mà những lời phê phán, chỉ trích cũng không ít.

Có thể coi lễ hội dân gian là một bảo tàng văn hóa, tâm linh, nơi lưu giữ những tín ngưỡng, tôn giáo, những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian.


Những tiêu cực trong các lễ hội trong thời gian gần đây liên tục được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đó là hiện tượng vàng mã được đốt tràn lan trong các lễ hội; là hiện tượng một số người dân đi lễ hội “găm”, “nhét” tiền vào tay tượng trong di tích một cách tùy tiện, vô ý thức.  Đó là hành vi mang chất bạo lực tranh cướp “hoa tre”, trầu cau ở Hội Gióng đền Sóc, hành động chen lấn, xô đẩy nơi hội đền Trần… Chưa kể, những hiện tượng như mất vệ sinh trong thực phẩm được bày bán ở lễ hội, bắt chẹt giá tiền dịch vụ gửi xe, trong mua đồ ăn, thức uống… Những tiêu cực này khiến không ít người có cảm giác lễ hội là gánh nặng của quá khứ đang đè lên đôi vai thế hệ hôm nay. Vấn đề ở đây là, lễ hội cần được nhìn nhận sao cho thỏa đáng.


Không có tín ngưỡng không thành lễ hội


Đối tượng mà chúng ta cần xem xét là lễ hội truyền thống (hay lễ hội cổ truyền, lễ hội dân gian), một bộ phận đặc biệt của văn hóa dân gian nước ta. Các lễ hội truyền thống chứa đựng những khát vọng thiết tha mãnh liệt của người nông dân trong xã hội xưa, rất đời, rất thực, mà cũng rất cao cả thiêng liêng.


Có thể coi lễ hội dân gian là một bảo tàng văn hóa, tâm linh, nơi lưu giữ những tín ngưỡng, tôn giáo, những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian, nơi phản ánh tâm thức người Việt Nam một cách trung thực nhất. Không có tín ngưỡng, không thành lễ hội.


Tín ngưỡng của lễ hội dân gian Việt Nam được biểu hiện dưới nhiều dạng như thờ cúng thành hoàng, thờ mẫu, thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các ông tổ nghề... của người Việt; thờ cúng thần nông của đồng bào các dân tộc phía bắc, thờ cúng Yang của người thiểu số Tây Nguyên.


Các tín ngưỡng dân gian còn tiềm ẩn trong trò diễn như tín ngưỡng thờ mặt trời, mặt trăng, thần nước... Thời gian trôi qua, dấu vết của những tín ngưỡng này lắng đọng trong các lễ nghi, trò diễn của lễ hội. Với người dân, các tín ngưỡng này tàng ẩn trong cõi sâu thẳm của ý thức. Ở một phương diện nào đó, có thể coi tín ngưỡng ấy như là tôn giáo sơ khai của cư dân nông nghiệp như tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ mặt trời, mặt trăng…


Đã thành quen thuộc, người ta chia hội lễ thành hai phần: Phần hội và phần lễ. Hội là sự tập hợp đông người trong đó các thành viên của cộng đồng, cùng nhau sinh hoạt tập thể, cùng nhau gắn bó trong một niềm cộng cảm. Phần lễ là những nghi thức mang ý nghĩa nhất định và bao giờ cũng là sự biểu hiện cách điệu hóa những nội dung đã làm nên niềm cộng cảm kia. Cả hai phần ấy của lễ hội truyền thống gắn bó với nhau một cách hài hòa, chặt chẽ, trong một dạng tồn tại nguyên hợp.


Vòng quay tuần tự của thiên nhiên và mùa vụ khiến cho người nông dân có những nhu cầu tâm linh nhất định.
 

Lễ hội dân gian là nơi chứa đựng, nơi giải tỏa những ước muốn tâm linh của người nông dân. Hội làng được mở ra là để người dân lập lại một sự cân bằng trong quan hệ nhiều chiều: Người và người; người và vạn vật; người và thần linh; người và vũ trụ.
 

Tuy nhiên, không tránh khỏi hiện tượng mê tín xuất hiện trong các lễ hội dân gian. Bởi lẽ, tín ngưỡng và mê tín cùng song hành tồn tại trong trường kỳ lịch sử, chẳng riêng gì với lễ hội dân gian.

 

Người dân nhét và xoa tiền lên thanh kiếm để lấy may
tại Lễ hội đền Trần (TP. Nam Định).


Tín ngưỡng và mê tín, ranh giới mong manh


Nếu lễ hội dân gian có một diện mạo tín ngưỡng tổng thể thì trên mặt cắt đồng đại hiện tại, trong lễ hội dân gian không phải không có những yếu tố phi tín ngưỡng. Nói cách khác, đó là mê tín.
 

Nếu tín ngưỡng trong lễ hội dân gian được hiểu với khía cạnh xúc cảm là chính, là đòi hỏi tâm linh của người dân trong xã hội nông nghiệp cổ truyền, là nơi biểu hiện sâu đậm của niềm tin dân dã với cõi siêu linh thì mê tín lại có ranh giới với nó chỉ là một đường chỉ mỏng manh. Chưa kể những yếu tố ký sinh vào các lễ hội dân gian, sống cùng tín ngưỡng như một nhánh tầm gửi trên một thân cây tươi tốt.

Trước hết, cần phân biệt những hiện tượng mượn di tích làm nơi hành nghề, không cứ tới lễ hội mới có. Nét chung của những hiện tượng này là những người hành nghề đã mượn, đã dựa vào niềm tin dân dã của con người với cõi siêu linh để mưu lợi cho mình, để buôn thần bán thánh.


Sau nữa là những yếu tố ký sinh vào lễ hội dân gian mà không phải là một thành tố trong cấu trúc chặt chẽ của chính lễ hội dân gian. Nó có thể ở hội này, lại cũng có thể có ở hội khác. Chẳng hạn, hình thức xin xăm, xin keo, gieo quẻ âm dương. Đằng sau việc ấy, quả có sự lợi dụng niềm tin dân dã của những người lợi dụng thánh hiền. Hiện tượng vay tiền Bà, vay tiền Ông cũng là hiện tượng tương tự. Các dạng của bói toán cũng nằm trong loại mê tín là thành tố ký sinh vào lễ hội.


Ngoài ra, còn có các hiện tượng khăn bùa, áo dấu, uống nước rửa tượng thánh, tượng thần trong ngày mộc dục của các lễ hội dân gian… Tất cả những hiện tượng ấy không nằm trong trục tín ngưỡng, có mặt rất muộn trong lễ hội dân gian. Thực tế cho thấy không có những hiện tượng ấy, lễ hội truyền thống không mất đi giá trị văn hóa tín ngưỡng của mình.


Vấn đề đặt ra là phải gạn đục khơi trong, để phần trong của di sản, của lễ hội trở thành nhân tố hướng thiện cho con người.


Hơn nữa, trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của 54 tộc người, lễ hội truyền thống là tài sản văn hóa có tiềm năng nhất trong việc trở thành tài sản du lịch, phục vụ cho sự phát triển của ngành du lịch. Lễ hội truyền thống luôn luôn là thành tố văn hóa cuốn hút và hấp dẫn du khách.

 

Hiện tượng "ném tiền" trong nghi lễ Chầu văn cần được các cấp quản lý và nhà nghiên cứu cho ý kiến rõ ràng.

Thanh lọc hiện tượng phi văn hóa trong lễ hội, việc không của riêng ai

Tự sâu thẳm tâm thức, người nông dân Việt Nam vẫn có một nhu cầu đi hội, để thực thi những tín ngưỡng dân dã, để cầu mong một cuộc sống bằng an cho chính bản thân, cho cộng đồng, cho gia đình. Tiếng gọi của lễ hội dân gian vào mùa xuân vẫn là tiếng gọi da diết, một lời mời không dễ chối từ.

Vấn đề đặt ra là làm sao thanh lọc được những hiện tượng phi văn hóa, phản văn hóa diễn ra ở một số lễ hội cổ truyền trong thời gian vừa qua, trả lễ hội về đúng bản chất của nó.

Có nhiều giải pháp đặt ra, nhưng theo người viết, cần có những giải pháp mang tính đột phá, tránh nghĩ ngay đến các giải pháp hành chính. Cần thấy, mối quan hệ giữa cộng đồng-nhà quản lý-nhà nghiên cứu phải được xem trọng trong quá trình đề xuất các giải pháp.

Việc nghiên cứu một cách khoa học các thành tố của từng lễ hội, để xem cái gì nên thay đổi, cái gì chưa nên, không nên thay đổi, thảo luận một cách công khai, dân chủ trong cộng đồng chủ thể của lễ hội với các nhà khoa học là cần thiết. Đồng thời, phải nêu cao vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc quảng bá cho người dân về giá trị của lễ hội.

Mặt khác, các ban quản lý, tổ chức lễ hội phải xem trọng việc đổi mới mô hình tổ chức lễ hội để thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của người dân. Cũng có thể có nhiều giải pháp tổng thể khác, để lễ hội thực sự là hành trang của thế hệ hôm nay.
 

GS. TS Nguyễn Chí Bền

Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương

Nguồn: Chinhphu.vn