Hội thảo về đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp bảo tồn voi tại Việt Nam

Cập nhật: 27/04/2015
(TITC) - Ngày 24/4/2015, Vụ Bảo tồn Thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam đã tổ chức Hội nghị với chủ đề “Đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp bảo tồn voi tại Việt Nam”.

(Ảnh minh họa)

Việt Nam từng là một quốc gia có nhiều voi sinh sống. Tuy nhiên, do suy giảm đa dạng sinh học, tình trạng săn bắt để lấy ngà và xương bất hợp pháp ngày một gia tăng, quần thể voi tại Việt Nam đã bị suy giảm nghiêm trọng, từ 1.000 cá thể vào giữa những năm 1980 xuống còn 70-130 cá thể vào năm 2013.

 

Chính vì vậy, Hội nghị lần này được tổ chức với mong muốn xây dựng được một bản kế hoạch hành động khẩn cấp về bảo vệ voi tại Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng, góp phần thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn voi đến năm 2020 và “Đề án tổng thể bảo tồn voi tại Việt Nam giai đoạn 2013-2020” của Chính Phủ.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự cho rằng, cần phải có một khung giải pháp mang tính tổng hợp để bảo tồn loài voi, trong đó giải pháp về quản lý rừng, quản lý sinh cảnh, quản lý các khu bảo tồn. Đồng thời áp dụng các ứng dụng công nghệ phục vụ công tác chống săn bắn trái phép tại hiện trường, khám nghiệm hiện trường, điều tra, truy tố, truy quét tội phạm; thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới, hợp tác khu vực và quốc tế trong việc chống săn bắn, vận chuyển, buôn bán voi và các chế phẩm từ voi… Các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức của người dân, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng về bảo tồn voi.

 

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đã lấy ý kiến hoàn thiện báo cáo “Tổng quan về bảo tồn voi châu Á ở Việt Nam” làm cơ sở để xây dựng các can thiệp bảo tồn voi trong tương lai; Hợp tác liên biên giới giữa Vườn quốc gia Yok Don của Việt Nam và Vườn quốc gia Mondikiri của Cam-pu-chia và công cụ chống săn bắn bất hợp pháp. 

Hương Lê