Bảo tồn đa dạng sinh học-cơ sở phát triển bền vững đất nước

Cập nhật: 04/05/2015
Ngày nay bảo tồn đa dạng sinh học được quan tâm không chỉ ở phạm vi riêng lẻ từng quốc gia mà là ở quy mô toàn cầu, vì bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học gắn chặt chẽ với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia. Đồng thời góp phần hạn chế các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Chính vì vậy, Liên hợp quốc đã chọn thập niên 2010-2020 là thập niên đa dạng sinh học của thế giới.

 

Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai- Ảnh TL



* Bảo tồn và sử dụng bền vững

Theo nhận xét của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang: Việt Nam là một trong những quốc gia ban hành khung chính sách và pháp lý về bảo tồn đa dạng vào loại sớm nhất tại khu vực Đông Nam Á. Điều đó đã thể hiện những cam kết của Chính phủ Việt Nam tham gia các điều ước quốc tế như Công ước Đa dạng sinh học (CBD), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Ramsar). Công ước buôn bán động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES)…


Những văn bản pháp lý đầu tiên vào đầu những năm 60 đã tạo nền tảng cho việc thành lập Vườn quốc gia Cúc Phương-Khu bảo tồn đa dạng sinh học đầu tiên của Việt Nam . Nhiều bộ luật quan trọng trong lĩnh vực quản lý cũng đã được ban hành. Tiêu biểu như Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 1991, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy sản.


Đặc biệt, Luật Đa dạng sinh học năm 2008 là một bước ngoặt đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Bởi lần đầu tiên, các nguyên tắc và ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học được đưa thành luật riêng, quy định các nguyên tắc, nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học cấp quốc gia, cấp bộ ngành và địa phương, tạo cơ sở pháp lý để các cộng đồng địa phương tham gia bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, thông qua các cơ chế mới về chia sẻ lợi ích.


Thạc sĩ Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cho biết: Hiện đa dạng sinh học ở Việt Nam được bảo tồn trong các khu bảo tồn và bên ngoài các khu bảo tồn. Hệ thống khu bảo tồn trên cạn có 164 khu rừng đặc dụng với diện tích trên 2 triệu ha, chiếm 7% diện tích tự nhiên cả nước, gồm 30 vườn quốc gia, 58 khu dự trữ thiên nhiên, 11 khu bảo tồn loài, 45 khu bảo vệ cảnh quan và 20 khu rừng thực nghiệm nghiên cứu khoa học. Các hệ sinh thái dưới nước gồm 45 khu bảo tồn vùng nước nội địa và 16 khu bảo tồn biển. Hiện có 5 khu bảo tồn biển đang hoạt động là Vịnh Nha Trang, Cù Lao Chàm, Núi Chúa, Phú Quốc và Cồn Cỏ.


Từ năm 1998, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về quản lý rừng bền vững, dựa trên những nguyên tắc và tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý rừng (FSC). Năm 2007 mới chỉ có 1 công ty trong lĩnh vực lâm nghiệp được cấp chứng chỉ Quản lý rừng FSC, đến nay đã có hơn 100 công ty thuộc nhiều loại hình sở hữu, hoạt động trong lĩnh vực trồng rừng và chế biến gỗ được cấp chứng chỉ này.


Ngoài thành lập 10 trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, Việt Nam cũng đã thành lập trên 10 trung tâm nghiên cứu cây thuốc và trên 50 vườn thuốc sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Mặt khác, Ngân hàng gen-hạt giống của Trung tâm tài nguyên thực vật thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã lưu giữ, bảo tồn và khai thác sử dụng hơn 20.000 mẫu giống của gần 32 loài cây cho củ, gia vị trên đồng ruộng. Riêng Viện Chăn nuôi quốc gia Thụy Phương-Hà Nội đã bảo tồn vật liệu di truyền như tinh trùng của bò u đầu rìu, bò H’Mông, phôi và tế bào cùng ADN của các giống lợn Móng Cái, lợn ỉ, lợn cỏ Nghệ An, gà Hồ, gà Mía, gà Đông Tảo…


Nguồn kinh phí trung bình hàng năm chi cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học chiếm xấp xỉ 0,4% tổng ngân sách quốc gia. Bên cạnh đó, nguồn vốn ODA cũng là nguồn tài chính đáng kế dành cho công tác này. Từ năm 2006 đến 2010, Việt Nam đã nhận được 64 triệu USD cho các hoạt động liên quan đến đa dạng sinh học từ các nhà tài trợ quốc tế. Tuy vậy, gần 90% kinh phí Nhà nước dành cho đa dạng sinh học là đầu tư cho phát triển hạ tầng, chỉ có 10% được phân bổ cho hoạt động quản lý và bảo tồn.



Cơ hội và thách thức


Bảo tồn đa dạng sinh học là một giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Trong đó trồng rừng và quản lý rừng bền vững được coi là một giải pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính, vì hệ sinh thái rừng nhiệt đới hấp thu khí CO2 phát thải để tạo thành chất hữu cơ. Trồng rừng ngập mặn chống lại nước biển dâng cao và tấn công của bão.


Do đó, dựa vào hệ sinh thái để thích ứng với biến đổi khí hậu là một cách tiếp cận lồng ghép, gắn kết việc sử dụng đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái trong chiến lược thích ứng chung với biến đổi khí hậu. Phương thức quản lý tổng hợp đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, trong khuôn khổ những chiến lược xóa đói giảm nghèo và lập kế hoạch an ninh lương thực sẽ có ý nghĩa quyết định tới việc hoàn thành Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam .


Lý giải về những khó khăn trong bảo tồn đa dạng sinh học, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho rằng tăng dân số và nhu cầu tiêu dùng, nghèo đói và di dân tự do là thách thức lớn nhất. Tiếp đó là việc tập trung phát triển kinh tế, xem nhẹ bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học trong những năm qua; chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu; đánh giá thấp giá trị và vai trò của đa dạng sinh học; thiếu phương thức bảo tồn hợp lý; quản lý còn nhiều bất cập và cuối cùng là biến đổi khí hậu gia tăng, đã và đang là những nguyên nhân chủ yếu làm suy giảm da dạng sinh học ở nước ta hiện nay.



Vì vậy ngày 31/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1250, phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Coi đây là một bộ phận không thể tách khỏi Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội, nhằm bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học, tạo cơ sở cho phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh xã hội, kinh tế và môi trường liên tục biến động như hiện nay.


 

Theo đó, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, loài, nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn và sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển đất nước theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.


 

Phân tích về mục tiêu cụ thể của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh-một trong những chuyên gia xây dựng Chiến lược này cho biết: Mục tiêu là nâng cao chất lượng và tăng diện tích của các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, bảo đảm đến năm 2020 diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn đạt 9% diện tích lãnh thổ, diện tích các khu bảo tồn biển đạt 0,24% diện tích vùng biển; độ che phủ rừng đạt 45%; rừng nguyên sinh được giữ ở mức 0,57 triệu ha và có kế hoạch bảo vệ hiệu quả; diện tích rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô được duy trì ở mức hiện có; 15% diện tích hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái được phục hồi; số lượng các khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam được quốc tế công nhận đạt 10 khu Ramsar, 10 khu dự trữ sinh quyển, 10 vườn di sản ASEAN .

 


Cải thiện về chất lượng và số lượng quần thể các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, bảo đảm: Không gia tăng số lượng loài bị tuyệt chủng, cải thiện đáng kể tình trạng một số loài nguy cấp, quý, hiếm, bị đe dọa tuyệt chủng. Kiểm kê, lưu giữ và bảo tồn các nguồn gen (vật nuôi, cây trồng, vi sinh vật) bản địa, nguy cấp, quý, hiếm, bảo đảm các nguồn gen bản địa, quý, hiếm không bị suy giảm và xói mòn.
 


Đến năm 2030 có 25% diện tích hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia bị suy thoái được phục hồi; đa dạng sinh học được bảo tồn và sử dụng bền vững mang lại lợi ích thiết yếu cho người dân và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 

 

Hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2015 do Liên hợp quốc phát động (22/5) với chủ đề: "Đa dạng sinh học cho phát triển bền vững", Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi các Bộ, ngành và địa phương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, các doanh nghiệp biết được tầm quan trọng về giá trị, vai trò của đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học đối với phát triển kinh tế, xã hội; kêu gọi cộng đồng cùng tham gia các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học. Đây là hành động thiết thực góp phần thực hiện những mục tiêu quan trọng của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 

Nguồn: Tinmoitruong.vn