Du lịch quá tải mùa cao điểm

Cập nhật: 03/05/2015
Lượng khách ùn ùn đổ về các điểm du lịch trong kỳ nghỉ lễ đã lặp đi, lặp lại từ nhiều năm qua là thực trạng chưa có biện pháp giải quyết thật sự hiệu quả. Sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, dư luận lại dấy lên những bức xúc về tình trạng nêu trên với cảnh ùn tắc ở các điểm giao thông, chen chúc ở các điểm du lịch, khu nghỉ mát, bãi tắm.

 

Hầu hết khách sạn, nhà nghỉ ở nhiều nơi đều kín chỗ, rất đông khách du lịch "ăn bờ, ngủ bụi", nhếch nhác, vạ vật ở các vườn hoa, vỉa hè, bãi biển, ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh, trật tự, làm mất mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường. Chỉ qua mấy ngày, đã có những bãi tắm biến thành bãi rác khổng lồ. Ðặc biệt, mật độ lưu thông lớn trên đường bộ cũng gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
 

Số lượng du khách quá đông ở các điểm đến góp phần làm nảy sinh nạn "chặt, chém", tăng giá của các loại hình dịch vụ, du lịch. Thật phi lý khi chứng kiến giá tua du lịch trong nước còn cao hơn cả giá tua nước ngoài, giá phòng khách sạn ở các khu du lịch nội địa ngang bằng hoặc cao hơn giá tua trọn gói đi các nước như Thái-lan, Xin-ga-po... Theo một khảo sát gần đây, tính bình quân, giá phòng khách sạn ở Việt Nam đã cao hơn nhiều nước trong khu vực và không ổn định, thường thay đổi với mức chênh lệch lớn ở từng thời điểm. Ðến như giá phòng nghỉ bình dân vào các ngày nghỉ lễ cũng tăng gấp ba đến năm lần. Có nơi, không nhận đăng ký trước, "ém" phòng để đầu cơ tăng giá. Ðiều đáng buồn là ngay cả các cấp quản lý du lịch và chính quyền ở một số địa phương cũng cho rằng, việc tăng giá lưu trú và dịch vụ vào những ngày cao điểm là điều bình thường với lý do muôn thuở: "cầu vượt cung".
 

Thực tế, không ít khách sạn và khu resort cao cấp vẫn còn phòng trống trong các dịp cao điểm. Tuy nhiên, giá cả của những nơi lưu trú này lại không phù hợp số đông du khách trong nước. Ðiều này cho thấy cơ cấu chưa hợp lý trong quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú ở các đô thị và trung tâm du lịch đang là "điểm nóng" khi thiếu khách sạn, nhà nghỉ dành cho đối tượng du khách có mức thu nhập trung bình. Cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho việc "cầu vượt cung" để rồi kêu gọi đầu tư cơ sở lưu trú nhiều hơn. Bởi qua mùa cao điểm đông khách, nhiều khu du lịch lại trở về trạng thái đón khách khá phập phù. Trong khi đó, nếu bố trí một cách hợp lý và khoa học vẫn có thể đón được cùng lúc một lượng khách đông đảo, như tỉnh Ðiện Biên trước đây đã làm trong dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, hoặc các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Phú Thọ, TP Hội An (Quảng Nam) và TP Ðà Nẵng đã thực hiện trong các kỳ lễ hội, liên hoan quốc gia và quốc tế. Một thí dụ có thể học tập như Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã giải quyết được bài toán quá tải du khách bằng cách phát huy hình thức du lịch cộng đồng, huy động hàng trăm gia đình đón khách về nhà ở.
 

Bên cạnh quy hoạch đầu tư cơ sở lưu trú, cần lưu ý quy hoạch khu vui chơi, giải trí ở các địa phương để người dân có điểm đến trong những kỳ nghỉ lễ, giảm lượng khách đổ về các "điểm nóng". Một điều không thể thiếu là công tác quảng bá, thông tin mang tính định hướng của ngành du lịch và doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vào các kỳ nghỉ lễ, giúp du khách biết và lựa chọn những điểm đến mới với chất lượng sản phẩm tương đương mà giá cả dịch vụ phù hợp, không để "nước chảy chỗ trũng". Du khách và các gia đình nên chủ động xây dựng kế hoạch tham quan, du lịch, mua tua hoặc đăng ký trước khách sạn, tránh du lịch theo kiểu tự phát, để rồi rơi vào thế bị động, biến kỳ du lịch trở thành một chuyến "hành xác".
 

Tất nhiên, muốn giải được bài toán quá tải vào mùa cao điểm, quạnh quẽ vào mùa thấp điểm rất cần sự vào cuộc quyết liệt chung sức của các cấp chính quyền và các ban, ngành, trong đó không thể thiếu trách nhiệm của ngành du lịch.